Ông Tẩn A Xoang - Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Sìn Hồ vẫn là huyện nghèo, gần 100% dân số là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa và nhận thức còn hạn chế. Trong khi đó, lao động ở nông thôn chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt. Đến lúc nông nhàn không có việc làm, một số ít đi làm thuê, do vậy thu nhập tương đối thấp, không ổn định và thiếu việc làm. Để giải quyết vấn đề này, huyện cũng đã ban hành nghị quyết và đề án về đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học nghề. Phát huy hiệu quả từ các mô hình kinh tế thông qua các lớp dạy nghề, kết hợp với các chương trình, nguồn vốn 30a, 135 của Chính phủ. Qua đó, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và giúp bà con tự tạo việc làm.
Năm 2016, Dự án trồng chè ở xã Sà Dề Phìn được triển khai đã tạo việc làm cho Nhân dân trong xã. Theo kế hoạch, chỉ vài năm tới, khi cây chè đến kỳ thu hái sẽ tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Anh Giàng A Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Sà Dề Phìn cho biết: Lâu nay, bà con chủ yếu sản xuất nông nghiệp, khi triển khai dự án trồng chè đã có 170 hộ dân tham gia. Như vậy đã giải quyết việc làm cho 2 lao động/hộ gia đình. Sau này, cây chè phát triển, Dự án được mở rộng hứa hẹn giải quyết việc làm ổn định và lâu dài cho bà con…
Không chỉ chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn, huyện Sìn Hồ còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động để có thu nhập cao và ổn định. Đây cũng là một hướng đi cho giải quyết việc làm ở nông thôn. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp trước mắt còn về lâu dài, huyện cần có những hướng đi đột phá phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương nhằm giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn như: phát triển một số mô hình kinh tế hiệu quả: nuôi cá nước ngọt, chăn nuôi súc gia cầm tập trung theo hướng hàng hóa, triển khai trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao để mang lại thu nhập. Ví dụ như, Sìn Hồ có nguồn tài nguyên rừng phong phú, lợi thế từ đánh bắt thủy sản trên vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La và diện tích đất bán ngập… huyện cần có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh (chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản).
Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn lao động dồi dào, cần cù, chịu khó, nếu huyện có những chính sách đào tạo, khuyến khích hợp lý sẽ là môi trường tiềm năng để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, khai thác, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, nhất là để lao động nông thôn không phải li hương mà vẫn có nguồn thu nhập ổn định, bền vững.
Tác giả: Vương Trang
Ý kiến bạn đọc