Hiện nay, Hội Nông dân xã Pu Sam Cáp có 280 hội viên, nông dân, đa số hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định nhiệm vụ trọng tâm của Hội là thúc đẩy hội viên, nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, đặc biệt là phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: chăn nuôi, trồng trọt...; tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Chỉ đạo các chi hội hướng dẫn hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp theo quy định.
Đồng thời, Hội phối hợp với các cơ quan, ban ngành tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên về cách chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sử dụng phân bón cho lúa, ngô và các loại cây hoa màu khác; phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ nhận thức cho nông dân về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Hiện, Hội đã xây dựng được 3 tổ vay vốn với dư nợ 912 triệu đồng. Đồng thời, đứng ra vay 300 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân cho 10 hộ hội viên của Chi hội nông dân bản Nậm Béo vay với lãi suất thấp để chăn nuôi trâu.
Với những việc làm thiết thực đó tạo cơ hội cho hội viên, nông dân tiếp thu khoa học kĩ thuật, đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như gia đình hội viên Hầu A Sèng ở bản Hồ Sì Pán 1. Từ hai bàn tay trắng nhưng với quyết tâm thoát nghèo, anh Sèng động viên gia đình tích cực khai hoang ruộng nước cấy lúa, chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh có 4 con trâu sinh sản, 100 con ngan, vịt, 1ha ruộng nước, mỗi năm thu về 20 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh Sèng còn trồng thử nghiệm cây thảo quả dưới tán rừng của bản. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên một số diện tích thảo quả bị chết. Không nhụt chí, anh động viên gia đình tiếp tục trồng và tích cực chăm sóc thảo quả. Để đảm bảo kỹ thuật, ngoài học hỏi kinh nghiệm của bà con trong vùng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, anh còn nhờ cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thảo quả. Không phụ công người chăm sóc, thảo quả sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện, với 1,5ha thảo quả, mỗi năm gia đình anh cũng thu về trên 100 triệu đồng. Anh Sèng cho biết: “Cây thảo quả rất hợp trồng dưới tán rừng, công chăm sóc và vốn bỏ ra ít hơn các loại cây trồng khác nhưng đòi hỏi phải trồng đúng kỹ thuật (đào hố, bón phân, làm cỏ) mới phát triển tốt và cho năng suất cao”. Mạnh dạn phát triển kinh tế, tổng thu nhập hàng năm trừ chi phí của gia đình anh đạt 90 triệu đồng/năm.
Ngoài anh Sèng, trong xã còn nhiều hộ hội viên, nông dân không cam chịu đói nghèo, vươn lên có thu nhập cao từ mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt, mỗi năm thu từ 50 - 80 triệu đồng như gia đình anh Vàng A Dàng, Thào A Dinh (bản Hồ Sì Pán II), Chang A Chá (bản Nậm Béo).
Anh Giàng A Chớ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Pu Sam Cáp cho biết: “Từ các phong trào thi đua, hoạt động hỗ trợ thiết thực đã tạo động lực thúc đẩy hội viên, nông dân trong xã tích cực chuyển đổi từ phương thức tập quán sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, nhiều hội viên, nông dân phát huy được thế mạnh địa phương, gia đình vươn lên làm giàu”.
Hiện, xã có 24 hội viên, nông dân được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục đứng ra kí ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn để có thêm nhiều hơn nữa cơ hội thoát nghèo.
Tác giả: Trang Nhung - Ánh Hồng
Ý kiến bạn đọc