Trong quá trình chăn nuôi, Ban Quản lý Dự án "Ngân hàng bò" của huyện cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát (từ năm 2010 đến nay đã tổ chức kiểm tra định kỳ được 12 đợt và hàng trăm đợt kiểm tra đột xuất khác). Các gia đình tham gia chăn nuôi bò sinh sản cũng đã thay đổi hình thức và kỹ thuật chăn nuôi bò. Nhiều hộ đã phối hợp với nhau tạo thành nhóm hộ chăn nuôi và có ý thức bảo vệ bò của gia đình (điển hình như nhóm hộ tại bản Seo Thèn B, xã Pa Vệ Sủ). Một số hộ gia đình sau khi hoàn vốn cho Hội CTĐ đã mạnh dạn vay vốn mua thêm bò để chăn nuôi phát triển kinh tế.
Sau hơn 6 năm triển khai đến nay, đàn bò đã sinh nở được hơn 117 con. Trong 6 năm qua đã có 53 hộ đủ điều kiện hoàn vốn và chuyển giao bò giống cho 53 hộ nghèo khác ở các thôn, bản. Đây là một trong những chương trình giảm nghèo mang tính bền vững, bởi chương trình không chỉ hỗ trợ con giống ban đầu mà còn phát huy tính tích cực trong lao động sản xuất để bà có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Thông qua chương trình, nhiều hộ đã quyết tâm, cố gắng, chăm chỉ cần cù phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát nghèo… điển hình như gia đình bà Đao Thị Đê ở bản Bum, xã Bum Nưa. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế chỉ trông vào 2 sào ruộng. Năm 2010, qua bình xét, gia đình bà được Hội CTĐ huyện giao cho 1 con bò giống trong Dự án “Ngân hàng bò” về nuôi, được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Sau 1 năm nuôi và chăm sóc, con bò mẹ đã sinh được 1 bê con. Đến năm 2013, gia đình bà đã bàn giao bê con cho Ban Quản lý Dự án “Ngân hàng bò”, để tiếp tục bàn giao bê con cho hộ gia đình nghèo khác trong xã nuôi. Giờ đây, con bò mẹ đã thuộc quyền sở hữu của gia đình bà và đã sinh sản thêm được 4 con. Bà vui lắm, bà bảo sẽ cố gắng chăm sóc để đàn bò ngày càng sinh trưởng, phát triển.
Chia sẻ nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, đồng chí Đỗ Văn Khải - Chủ tịch Hội CTĐ huyện Mường Tè khẳng định: Trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ hưởng lợi hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của chương trình do Hội đầu tư. Bên cạnh đó, các hoạt động bình xét lựa chọn hộ hưởng lợi phải được thực hiện công khai, dân chủ. Có sự phối hợp với các chương trình dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khác được triển khai tại địa phương để tránh chồng chéo. Các cơ quan, ban, ngành từ huyện đến xã, bản luôn sát sao trong quá trình theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, kịp thời hỗ trợ và xử lý các trường hợp bò ốm, bệnh. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, vận động các gia đình thực hiện các cam kết đã ký kết. Phối hợp với Đài Truyền thanh, truyền hình huyện tích cực tuyên truyền những cá nhân, gia đình tích cực đi đầu trong thực hiện chương trình, nhằm cổ vũ, động viên, làm gương cho các hộ khác học tập, làm theo.
Có thể khẳng định, Dự án “Ngân hàng bò” đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi,góp phần cải thiện đời sống nâng cao thu nhập, thực hiện tốt chiến lược giảm nghèo của địa phương.
Tác giả: Khánh Hạ
Ý kiến bạn đọc