Đi dọc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu chúng tôi nhận thấy có khá nhiều lán, trại và vùng vây lưới, đặt vó bè của người dân. Tuy nhiên khi hỏi ra mới biết, chỉ một số ít trong đó là người dân của huyện Nậm Nhùn, còn lại là người dân từ Hòa Bình, Sơn La ngược thuyền lên đây để chuyên đánh bắt cá tôm đem bán. Ở huyện Nậm Nhùn chỉ có bản Chang (xã Lê Lợi) và bản Nậm Ty (xã Nậm Hàng) là có đông hộ dân làm nghề đánh bắt thủy sản chuyên nghiệp. Tại các bản Phiêng Luông 1, Phiêng Luông 2 (xã Nậm Hàng), bản Pa Kéo, Nậm Hàng (thị trấn Nậm Nhùn) và khu vực xã Mường Mô… tuy nằm giáp các lòng hồ thủy điện với nguồn cá tôm dồi dào nhưng mỗi bản chỉ có vài hộ dân làm nghề chài lưới.
Ông Đinh Văn Siêng - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Hàng chia sẻ, có hai nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hộ gia đình không thể tiếp cận cơ hội này: Thứ nhất là suất đầu tư ban đầu mua sắm ngư lưới cụ để chuyển đổi nghề nghiệp lớn; thứ hai kỹ thuật đánh bắt tôm, cá không dễ nên muốn làm được thì phải có người lành nghề truyền dạy kinh nghiệm. Khi được hỏi về vốn đầu tư ban đầu để có thể làm nghề đánh bắt tôm các trên mặt hồ thủy điện, anh Lò Văn Huyến ở bản Nậm Ty (xã Nậm Hàng) một người có nhiều năm đánh bắt thủy sản trên mặt hồ thủy điện Sơn La cho biết: Để có thể dong thuyền đánh tôm cá trên khu vực lòng hồ các hộ phải đầu tư ban đầu trung bình khoảng từ 40 - 60 triệu đồng, trong đó: đóng thuyền máy bằng thép khoảng 25 - 35 triệu đồng, mỗi tay lưới tốt giá khoảng 2 - 4 triệu đồng (trung bình phải có 5 tay lưới trở lên), 10 dây bát quái (bắt tôm) khoảng 2 triệu đồng, nếu làm vó bè thì ngoài việc đầu tư ban đầu về vật liệu mất vài triệu, còn phải chọn được địa điểm phù hợp và tốn nhiều công sức, bên cạnh đó phải dựng lán bên bờ sông để nghỉ đêm khi đi làm khuya sớm. Thứ hai, kỹ thuật đánh bắt cũng là vấn đề quan trọng. Không phải cứ thả lưới, làm vó, thả dây bát quái xuống sông là cá tôm vào. Người đánh cá còn phải có kiến thức, kinh nghiệm để chọn được luồng cá, biết được thói quen kiếm mồi và mùa đánh bắt với từng loại cá để giăng lưới cho phù hợp. Với vó bè thì phải đặt ở vị trí phù hợp để có thể dâng hạ theo con nước lòng hồ và phải thắp điện, làm mồi bẫy cá vào ban đêm. Với những dây bát quái thì phải chọn được khu vực ven bờ nơi tôm hay sinh sống, phải làm mồi để dụ tôm vào… Bên cạnh đó kỹ thuật lái thuyền, định hướng trong đêm tối cũng là kỹ năng đòi hỏi được rèn luyện để đảm bảo an toàn khi đánh bắt cá. Một khó khăn nữa mà người dân địa phương cũng chưa tháo gỡ được đó là tìm đầu ra ổn định cho thủy sản. Thị trường bán lẻ tại chỗ khá nhỏ, còn nếu bán cho những thương lái từ Hòa Bình đến thu gom trực tiếp tại thuyền thì người dân phải chịu thiệt khi họ ép giá xuống chỉ bằng ½ giá bán lẻ.
Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Bùi Anh Quyết - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn cho biết: Theo số liệu báo cáo kinh tế - xã hội huyện Nậm Nhùn năm 2016, toàn huyện có khoảng 410 hộ tham gia đánh bắt thủy sản trên lòng hồ, với trên 720 ngư cụ, sản lượng đánh bắt 141,4 tấn/năm. Người dân chủ yếu là đánh bắt chăn nuôi phục vụ gia đình và bán với quy mô nhỏ, chưa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chủ trương cụ thể ngoài việc đánh bắt thủy sản trên lòng hồ kết hợp với việc tận dụng mặt nước lòng hồ để nuôi trồng thủy sản khôi phục sinh kế cho Nhân dân xã tái định cư thủy điện (Mường Mô), nhằm ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người dân vùng lòng hồ. Dự kiến năm 2017 sẽ hỗ trợ Nhân dân thực hiện nuôi trên 20 lồng cá, kết hợp với tổ chức cho Nhân dân thăm quan học hỏi kinh nghiệm tại Sơn La để người dân có cơ hội tiếp cận thực tế, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện mô hình nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện. Trong đó, tập trung vào 2 loại cá có giá trị kinh tế cao là cá lăng và cá chiên, hứa hẹn sẽ là bước đi mới giúp người dân ổn định đời sống, nâng cao thu nhập ổn định, bền vững trong thời gian tới.
Để nghề đánh bắt thủy sản trên các lòng hồ thủy điện phát huy hết tiềm năng, huyện Nậm Nhùn nói chung và các xã trong vùng lòng hồ hai thủy điện lớn cần chủ động nắm bắt thời cơ, thuận lợi để ban hành chính sách phù hợp chuyển đổi nghề nghiệp cho Nhân dân từ thuần túy trồng trọt với làm ruộng, nương rẫy cho thu nhập thấp sang nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Bên cạnh đó cũng cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động an toàn trong đánh bắt và cấm sử dụng những loại lưới mắt nhỏ, chất nổ, xung điện đánh bắt hủy diệt, thực hiện khai thác với bảo tồn nguồn lợi. Đồng thời, có cơ chế kiểm soát về giá để tránh tình trạng người dân bị ép giá sản phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương.
Tác giả: Huy Hùng
Nguồn tin: baolaichau.vn
Ý kiến bạn đọc