Phát biểu tại Toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa để trở thành một nền kinh tế đang phát triển với mức tăng trưởng ổn định, có độ mở cao và đang trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Quan hệ kinh tế của Việt Nam với thế giới ngày càng được mở rộng, thông qua 12 Hiệp định FTA thế hệ mới đã được ký kết. Đồng thời, Việt Nam là cửa ngõ để các đối tác tiếp cận thị trường chung ASEAN và đang nỗ lực hoàn thiện mô hình tăng trưởng mới, cải thiện năng lực cạnh tranh, hướng đến một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững dựa trên tri thức, sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, chính sách đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.
Việt Nam đang thực hiện quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng gắn với 03 đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, nguồn nhân lực chất lượng cao, và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Qua đó, tạo ra nhiều dư địa hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài cùng phát triển.
Trong những năm qua, các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 8 với tổng vốn đầu tư đạt 11,2 tỷ USD và hơn 1.600 dự án. Các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam liên tục mở rộng về quy mô, có xu hướng sử dụng công nghệ tiên tiến và đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đồng thời, góp phần mở rộng và thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, những kết quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua, kết hợp với những cơ hội và quá trình phát triển kinh tế, hội nhập của mỗi nước sẽ tạo nên nền tảng vững chắc và tăng cường hợp tác kinh tế, đầu tư và thương mại.
Với quy mô GDP lên đến 350 tỷ USD và dân số dự kiến đạt mức 100 triệu người vào năm 2020, môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, chi phí đầu vào cạnh tranh, tính kết nối quốc tế thuận lợi, Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư và kinh doanh mang tầm chiến lược.
Hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Quốc với các doanh nghiệp Việt Nam là một trong những định hướng chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đang thực hiện. Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, điện, điện tử và sản xuất hàng tiêu dùng... với các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đây cũng chính là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thế mạnh, sở hữu nhiều thương hiệu quốc tế và có vị trí nhất định trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cũng là lĩnh vực phù hợp với nhu cầu, khả năng hợp tác và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Để mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, Việt Nam định hướng thu hút nguồn vốn tư nhân vào các dự án ưu tiên, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, hạ tầng đô thị... theo các hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến công bố danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo hình thức PPP và mong muốn kêu gọi các quỹ đầu tư, các tập đoàn Trung Quốc nghiên cứu, đầu tư hoặc đề xuất các dự án mới. Ngoài ra, với tiềm năng và các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, Việt Nam tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo đủ sức hấp dẫn, cũng như sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực này.
Tọa đàm là dịp để các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp của hai nước trao đổi, cùng nhau chia sẻ những ý tưởng mới, những giải pháp sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội, phát huy những lợi thế, tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc./.
Tác giả: Mai Phương-Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc