Hiện nay, các xã: Nà Tăm, Khun Há, Sơn Bình, Tả Lèng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các hộ nghèo đều trong tình trạng không có việc làm, thiếu đất sản xuất, tỷ lệ sinh con thứ ba cao, thậm chí một bộ phận người dân trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Để công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã điều tra, rà soát hộ nghèo, tìm hiểu nguyên nhân, nguyện vọng để có giải pháp giúp đỡ.
Thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, các xã, thị trấn tích cực tuyên truyền, vận động theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đưa mô hình sản xuất vào thử nghiệm, “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong năm 2016, huyện triển khai thực hiện 11 mô hình, dự án về trồng trọt, chăn nuôi, chính sách hỗ trợ sản xuất với 23.042 hộ nông dân nghèo hưởng lợi. Điển hình như hỗ trợ sản xuất 156.324kg giống các loại với 9.900 hộ hưởng lợi (trong đó 1.652 lượt hộ nghèo); triển khai mô hình sản xuất ngô đông xuân, gieo mạ bằng phương pháp che phủ nilon, trồng cây ăn quả ôn đới... Thông qua các mô hình giúp nông dân nắm bắt và áp dụng kỹ thuật mới, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Từ 1 vụ bà con sản xuất lên 2 vụ, 3 vụ, toàn huyện có 2.524ha cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, 685ha thu nhập trên 80 triệu đồng.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là bước đệm giúp hộ nghèo có việc làm, tăng thêm thu nhập, Trung tâm Dạy nghề và Giới thiệu việc làm huyện thường xuyên phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn ở cơ sở. Đồng thời, rà soát thực tế, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch liên kết đào tạo. Nhờ vậy, năm 2016, Trung tâm tổ chức dạy nghề cho 636 lao động nông thôn, ngành nghề chủ yếu thuộc nhóm nghề nông nghiệp gồm: trồng cây lương thực, cây ăn quả, trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. 100% học viên là người dân tộc thiểu số, trong đó hộ nghèo chiếm trên 30%. Kết thúc các lớp học nghề, trên 75% học viên có việc làm phù hợp với ngành nghề, nhiều học viên được Trung tâm giới thiệu vào làm tại các hợp tác xã, doanh nghiệp, công ty đóng trên địa bàn. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện lên 45,4%.
Nguyện vọng của hộ cận nghèo, hộ nghèo muốn vay vốn sản xuất nhưng lại không nắm rõ quy trình thủ tục vay vốn, các xã, thị trấn cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hướng dẫn bà con các thủ tục cần thiết tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Đồng thời, định hướng cho các hộ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trong năm qua, toàn huyện có 1.169 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất với tổng dư nợ 46.541 triệu đồng; 6 gia đình được vay vốn tín dụng học sinh sinh viên với số tiền 68 triệu đồng. Chính sách hỗ trợ này mang lại hiệu quả thiết thực đối với hộ nghèo, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tạo điều kiện cho nhiều em có điều kiện học tập.
Khun Há là một trong những xã thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Tam Đường. Trước đây, cuộc sống của người dân rất khó khăn, đói nghèo quanh năm bởi tập quán canh tác, sản xuất lạc hậu. Song, nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong công tác tuyên truyền, bà con thay đổi được nhận thức, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cuộc sống bà con nhiều đổi thay. Minh chứng rõ nét là kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Năm 2016, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt trên địa bàn xã 654,5ha (tăng 31,1ha so với năm 2015). Tổng sản lượng lương thực ước đạt 2.945 tấn, trong đó diện tích lúa chất lượng cao chiếm 70%, lương thực bình quân đầu người 630kg. Tỷ lệ hộ nghèo còn 445 hộ, chiếm 52,23%. Đặc biệt, xã có 12 hộ tự làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cứ A Seng (bản Lao Chải 2, xã Khun Há) tâm sự: “Cuộc sống gia đình tôi từng rất khó khăn, quanh năm thiếu ăn nhưng nhờ Nhà nước hỗ trợ cây, con giống, được vay vốn phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình có 15 con lợn, 50 con vịt, trồng thêm lúa, ngô nên cuộc sống đã ổn định. Năm vừa rồi, gia đình tôi đã làm đơn tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo”.
Nhờ thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ người nghèo, cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện ngày càng ấm no, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2016 giảm xuống còn 35,64%. Năm nay, phấn đấu giảm 3,5% tỷ lệ hộ nghèo, huyện Tam Đường tập trung các nguồn lực, giải pháp hỗ trợ, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa hộ nghèo và hộ giàu, giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Tác giả: Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc