Chúng tôi đến bản Lò Ma để tìm hiểu về sự phát triển của cây mận hậu trên vùng đất biên cương cực tây đầu Tổ quốc. Dẫn chúng tôi đi thăm quan vườn của một số hộ gia đình trồng mận hậu đầu tiên ở Ka Lăng tại bản Lò Ma, anh Lỳ Xú Cà - cán bộ nông nghiệp xã Ka Lăng chia sẻ: “Trước kia trên đất Ka Lăng chưa có cây mận hậu, người Hà Nhì, La Hủ ở đây cũng chưa biết gọi là cây gì, mà chỉ gọi tên chung theo tiếng phổ thông là cây mận. Bộ đội Đồn Biên phòng Ka Lăng là những người đầu tiên mang cây mận hậu lên trồng tại đất Ka Lăng. Cây mận đã sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho năng suất cao…”.
Đến thăm vườn mận nhà chị Phùng Khừ Pư, hình ảnh những cây mận với những chùm quả to, chín mọng, thật hấp dẫn. Thử một quả mận hậu, tôi cảm nhận thấy vị ngon của mận hậu ở Ka Lăng không kém gì mận ở Mộc Châu (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai), thậm chí mận ở đây còn có vị chua dịu và vị ngọt thanh mát hơn. Trao đổi với chị Phùng Khừ Pư, chúng tôi được biết: Chồng chị là cán bộ xã Ka Lăng, 5 năm trước anh đã mang về trồng thử tại vườn của gia đình 6 cây mận hậu. Cây mận trồng tại vườn của gia đình chị phát triển rất tốt, chỉ việc làm cỏ, vun gốc sau 3 năm đã ra quả, năm thứ 4, thứ 5 cho năng suất khá cao, mỗi cây thu hoạch được từ 60-70kg, với giá bán 20-30 nghìn đồng/kg. Mỗi năm, từ 6 cây mận, gia đình chị thu nhập gần chục triệu đồng. Thấy cây mận phát triển tốt và có hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị đã gây giống và trồng thêm gần 60 gốc mận tại vườn nhà.
Trước thực tế của cây mận hậu đang là một trong những cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của xã Ka Lăng, người dân một số bản trong xã chủ động tự gây giống và trồng mận. Để những hộ dân trong xã mở rộng diện tích trồng mận và có đầu ra bền vững cho sản phẩm, cấp ủy, chính quyền xã Ka Lăng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ bà con. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Pờ Pó Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng cho biết: Qua hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, cây mận là cây trồng thích hợp ở vùng đất có độ cao từ 800 – dưới 1.500m, nơi có nhiệt độ trung bình hằng năm từ 22 -25 độ C. Với xã Ka Lăng, một số bản như Lò Ma, Tù Nạ, Tà Phu… có khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với trồng cây mận. Loại cây này dễ chăm sóc, năng suất cao, thu nhập ổn định. Việc phát triển diện tích cây mận hậu đang được người dân chủ động thực hiện. Để hỗ trợ người dân mở rộng diện tích, UBND xã vận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: WB, 135/Cp, 30a, lập danh sách các hộ có nhu cầu để hỗ trợ giống cây mận cho bà con. Xã còn tổ chức mời cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mận. Đồng thời, để chủ động đầu ra của sản phẩm, chúng tôi xây dựng kế hoạch tìm địa chỉ bao tiêu sản phẩm tại thị trấn Mường Tè và thành phố Lai Châu.
Với điều kiện tự nhiên phù hợp và nhu cầu mở rộng diện tích trồng mận, tương lai Ka Lăng sẽ trở thành vùng trồng mận hậu của huyện Mường Tè, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển trồng cây mận hậu ở Ka Lăng rất cần các cơ quan chuyên môn khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch và hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng để sản phẩm mận hậu Ka Lăng không chỉ đạt chất lượng cao mà còn có đầu ra ổn định và đứng vững trên thị trường.
Tác giả: Hà Dũng
Ý kiến bạn đọc