Sau khi hoàn thành các công đoạn phát dọn thực bì, đào hố, những ngày này, tận dụng điều kiện thời tiết thuận lợi, bắt đầu có mưa, người dân trên địa bàn huyện Tam Đường tiến hành vận chuyển cây giống lên đất rừng đã quy hoạch để trồng. Tại các xã: Nùng Nàng, Sùng Phài, Khun Há, Thèn Sin, Tả Lèng (có diện tích trồng rừng lớn của huyện), chúng tôi cảm nhận được không khí lao động tích cực của bà con. Mặc cho những cơn mưa rả rích, cả người dân tất bật xuống giống, cán bộ chuyên môn huyện, xã hướng dẫn tỷ mỷ kỹ thuật trồng.
Năm nay, xã Thèn Sin đăng ký trồng 48ha rừng thay thế và 3,4ha rừng theo Đề án phát triển cây sơn tra của huyện. Theo ông Thùng Văn Khiếm - Chủ tịch UBND xã, toàn xã có 53 hộ dân ở các bản: Sin Câu, Thèn Sin 1, Thèn Sin 2, Na Đông tham gia trồng rừng. Trong đó, 3 nhóm hộ (48 gia đình) trồng rừng thay thế, 1 nhóm hộ (5 gia đình) trồng rừng theo Đề án phát triển cây sơn tra. Đối với rừng thay thế, các hộ dân được hỗ trợ 100% cây giống và công phát dọn thực bì, đào hố, trồng rừng trong năm đầu tiên. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng xong trước ngày 31/7, xã Thèn Sin phối hợp cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện xuống địa bàn đôn đốc, hướng dẫn bà con trồng rừng theo đúng quy trình, chú trọng bón lót phân bón hợp lý, nâng cao tỷ lệ sống của cây giống. Đồng thời, tuyên truyền, nâng cao ý thức của các hộ thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phòng chống cháy rừng đối với diện tích trồng và rừng tự nhiên.
Ông Lò Văn Kẻo - Trưởng bản Na Đông (xã Thèn Sin) tâm sự: “Khi triển khai đăng ký trồng rừng năm 2017, dân bản đều lắc đầu. Chúng tôi kiên trì phân tích lợi ích trồng rừng mang lại như: sau này rừng tốt, bà con được hưởng dịch vụ chi trả môi trường rừng, thu hái lâm sản từ rừng, giữ đất, giữ nước... Nhờ đó, bà con chủ động đăng ký trồng rừng. Hộ nào còn chưa hiểu cặn kẽ, chúng tôi lại tiếp tục, giải thích đến khi đồng thuận. Nhờ đó, có nhiều hộ đăng ký trồng 1-2ha rừng, góp phần không nhỏ trong thực hiện chỉ tiêu trồng rừng của xã”.
Ở xã Khun Há, làm tốt công tác trồng và bảo vệ rừng nên nhiều năm nay bà con nơi đây thu nhập đáng kể từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Mùa trồng rừng năm nay, xã có kế hoạch trồng mới 39,8ha rừng thay thế, đến nay triển khai trồng được 20ha tại bản Sàn Phàng Thấp và Thèn Thầu.
Theo kế hoạch năm 2017, huyện Tam Đường trồng 221ha rừng, trong đó 184,5ha rừng thay thế, 36,5ha rừng theo Đề án cây sơn tra. Đến nay, toàn huyện đã trồng hơn 70ha rừng, phấn đấu kết thúc mùa trồng rừng vào cuối tháng 7. Được biết, để hoàn thành kế hoạch đề ra, ngay từ đầu vụ trồng rừng, UBND huyện Tam Đường họp bàn chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát các vùng triển khai trồng rừng. Đồng thời, chủ động đủ cây giống đảm bảo chất lượng, số lượng; hướng dẫn các hộ dân lựa chọn loại cây trồng phù hợp. Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã gieo ươm trên 400.000 cây giống sơn tra, lát hoa, thông mã vĩ, tống quá sủ, mỡ phục vụ công tác trồng rừng.
Ông Trần Văn Sứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Từ kinh nghiệm thực tiễn của các vụ trồng rừng trước đây, để hoàn thành chỉ tiêu, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng. Các chế độ, chính sách hưởng lợi khi người dân tham gia trồng rừng được phổ biến từng hộ, giúp người dân yên tâm tham gia. Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên báo cáo tiến độ triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết ngay tại cơ sở; tránh ảnh hưởng tới tiến độ trồng rừng”.
Với những chính sách của Nhà nước và cơ chế thông thoáng của tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của người dân trong huyện, tin rằng, vụ trồng rừng năm nay, Tam Đường sẽ đảm bảo hoàn thành diện tích cũng như tiến độ đề ra.
Tác giả: Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc