Những năm qua, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đã cho thấy nhiều kết quả đáng ghi nhận, bức tranh giảm nghèo đã có chiều sâu và bền vững hơn. Những chương trình hạt gạo tình thương, bữa cơm chia sớt, áo ấm mùa đông, việc làm vùng cao, những dự án, tiểu dự án tạo công cụ sản xuất cho người nghèo… ngày một cụ thể và thiết thực. Nhờ vậy tỷ lệ tái nghèo được cải thiện, giảm thiểu.
Tính đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm xuống còn 4,2%. Riêng tỉnh Lai Châu, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trung bình giảm 5,6%/năm, giảm từ 46,78% (đầu năm 2011) xuống còn 18,75% năm 2015 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra từ 4-5%), có trên 26 nghìn hộ thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh tăng từ 8,2 triệu đồng (năm 2010) lên 18,5 triệu đồng (năm 2015)…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác giảm nghèo giai đoạn vừa qua còn không đồng đều. Tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi, miền hải đảo, vùng sâu vùng xa còn cao. Tâm lý thụ động chờ hỗ trợ còn phổ biến trong đồng bào dân tộc thiểu số, chưa chủ động vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó là hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt, nguồn lực đầu tư còn dàn trải, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều chính sách năm này phù hợp năm sau đã lỗi thời...
Phát triển đàn gia súc đang mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân huyện Tam Đường. Trong ảnh: Người dân bản Rừng ổi (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) chăm sóc đàn lợn. (ảnh baolaichau.vn)
Trước những hạn chế, thách thức trên, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã đưa ra nhiều điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình.
Theo đó, trong giai đoạn này, nguồn lực sẽ được tập trung vào các địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi. Với mục tiêu là: Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới; tạo điều kiện để người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Chương trình để tăng thu nhập thông qua tạo việc làm công nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.
Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng kinh phí thực hiện là 48.397 tỷ đồng, bao gồm 5 dự án thành phần: Chương trình 30a; Chương trình 135; Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và Chương trình 135; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Chính phủ tiếp tục đề ra chỉ tiêu: Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 20 - 30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện, xã, thôn thuộc Chương trình phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân. Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất 15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo. Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho khoảng 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn, bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo. 100% cán bộ cấp xã làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động; 50% các xã nghèo có điểm thông tin, tuyên truyền cổ động ngoài trời; có 100 huyện và khoảng 600 xã được trang bị bộ phương tiện tác nghiệp tuyên truyền cổ động. 90% các hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua các hình thức báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác; Hỗ trợ phương tiện nghe - xem cho khoảng 10.000 hộ nghèo sống tại các đảo xa bờ; hộ nghèo thuộc các dân tộc rất ít người; hộ nghèo sống tại các xã đặc biệt khó khăn.
Riêng đối với tỉnh Lai Châu, phấn đấu mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên) và hộ cận nghèo từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo của tỉnh tăng 1,5 lần so với năm 2015. Phấn đấu có 1 đến 2 huyện nghèo ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước; 15% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn….
Các giải pháp được đưa ra trong thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2020 sẽ theo hướng phát huy tính chủ động của người nghèo, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện, gắn trách nhiệm, tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo cụ thể như: Trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện Chương trình; khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn; hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tự nguyện đăng ký tham gia dự án thông qua nhóm hộ, cộng đồng; thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo; áp dụng cách tiếp cận giảm nghèo dựa vào cộng đồng; mở rộng và tạo điều kiện để tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch; triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện, bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong suốt quá trình thực hiện Chương trình…
Tác giả: Lê Khôi
Ý kiến bạn đọc