“Từ được hỗ trợ giống thực hiện mô hình trồng cây ngô lai (theo chương trình hỗ trợ giống của Ban Quản lý Dự án giảm nghèo huyện cách đây 5 năm), đến nay cây ngô lai được người dân bản Lò Ma tổ chức tái sản xuất, trở thành cây nông nghiệp được ưu tiên lựa chọn để thay thế diện tích nương lúa và những chân ruộng 1 vụ thiếu nước” - ông Chu Mụ Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng (huyện Mường Tè) giới thiệu với chúng tôi về việc tái sản xuất và duy trì diện tích trồng ngô tại bản Lò Ma.
Dẫn chúng tôi đi tham quan diện tích được quy hoạch làm vùng trồng ngô, ông Lý Lỳ Che - Bí thư Chi bộ bản Lò Ma chia sẻ: “Bản Lò Ma có 28 hộ với trên 150 nhân khẩu, 100% là dân tộc Hà Nhì. Từ 1ha trồng thử nghiệm ngô lai do Ban Quản lý Dự án giảm nghèo triển khai năm 2013 đạt kết quả cao, đến nay, cây ngô lai được dân bản tổ chức tái sản xuất và nhân rộng lên gần 10ha. Việc trồng ngô lai của người dân bản Lò Ma nay đã thành tập quán canh tác, không còn lệ thuộc vào chính sách hỗ trợ giống của Nhà nước”.
Đến thăm ruộng ngô của gia đình anh Lù Ha Xè (nằm xen với ruộng ngô của các hộ dân trong bản), nhìn những chân ruộng 1 vụ thiếu nước đã được chuyển đổi thành ruộng ngô lai xanh tốt, chúng tôi hiểu được sự tiến bộ và quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của bà con dân tộc Hà Nhì nơi đây. Lau những giọt mồ hôi còn đọng trên trán, anh Lù Ha Xè cho biết: Trước kia khu ruộng 1 vụ này của bản thiếu nước, việc canh tác lệ thuộc vào thời tiết, năm nào mưa thuận thì sản xuất được, còn không để hoang. Cách đây vài năm, được cán bộ xã, huyện hướng dẫn trồng cây ngô lai ở khu vực này, dân bản thấy phù hợp nên chuyển hẳn sang trồng ngô. Việc trồng ngô của bà con được cán bộ xã rất quan tâm, các anh thường xuyên đến kiểm tra thực tế tại các ruộng ngô. Bản hiện có nhiều hộ triển khai trồng ngô hai vụ trên diện tích ruộng của gia đình. Hai năm nay gia đình tôi trồng giống ngô lai CP 989 hai vụ trên diện tích gần 6.000m2 ngô; thu hoạch gần 4 tấn ngô/năm, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Cây ngô lai đã trở thành một trong những cây lương thực chủ lực tại bản Lò Ma. Từ sản lượng ngô thu được, người dân trong bản biết sử dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi. Bà con nấu rượu ngô bán ra thị trường và dùng ngô để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Cây ngô lai góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của bản. Năm 2016, thu nhập bình quân của bản Lò Ma đạt trên 16 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9%, bản đạt 16/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới…
Việc người dân bản Lò Ma duy trì và mở rộng diện tích trồng cây ngô lai đã trở thành mô hình điển hình để các xã vùng cao, biên giới trên địa bàn huyện Mường Tè tổ chức triển khai nhân rộng. Từ đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và từng bước khai thác lợi thế, đặc thù của các địa phương trên địa bàn huyện, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Tác giả: Hà Dũng
Ý kiến bạn đọc