Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu được thành lập, các thành viên đã căn cứ nhiệm vụ của đơn vị mình, triển khai tích cực công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, của tỉnh về xây dựng nông thôn mới. Các sở ngành, địa phương đã tăng cường tuyên truyền đến Nhân dân mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới và phương châm làm nông thôn mới của tỉnh “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”; “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Các tiêu chí và cách thức triển khai thực hiện chương trình được coi là nội dung chính trong công tác tuyên truyền.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh với vai trò của mình đã tham mưu ban hành gần 10 văn bản về các Quyết định, Đề án, Nghị quyết, Kết luận... về kế hoạch phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, các sở, ngành, đoàn thể đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, liên kết hợp tác từ sản xuất, giới thiệu sản phẩm đến việc tiêu thụ nông sản; vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, công lao động tham gia làm các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng. Các địa phương tích cực chỉ đạo tuyên truyền thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp nông thôn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tạo sự thay đổi về chất và bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Nhất là tạo niềm tin cho người dân về thực hiện nông thôn đồng thời với việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Kịp thời nhân rộng những mô hình hiệu quả, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, những cá nhân, đơn vị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tại các địa phương, lấy thôn bản làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới.
Muốn Nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, huy động tối đa sự tham gia đóng góp của cộng đồng về cả trí tuệ, công sức và nguồn lực. Không chỉ vậy, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng kế hoạch và triển khai luôn được công khai để lấy ý kiến tham gia từ cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đảm bảo dân chủ trước khi thực hiện; phân công rõ trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trưởng bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, anh Vàng A Chỉnh chia sẻ: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã hoàn thành tuyến đường bê tông nội bản với sự tham gia của tất cả các hộ dân trong bản. Công việc được bà con ủng hộ và cùng tham gia vì chúng tôi đã tổ chức họp bản, chia thành các tổ thực hiện từng phần việc, phân công tổ trưởng chịu trách nhiệm chính đôn đốc các thành viên trong tổ. Tổ nào làm tốt sẽ được biểu dương, ngược lại làm thiếu trách nhiệm sẽ bị nhắc nhở. Không chỉ trong làm đường nội bản mà trong các việc như xây dựng bản du lịch, bản văn hóa, tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại bản, giữ gìn vệ sinh chung... đều được phân công nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của các gia đình để cùng thực hiện. Nhờ đó mọi việc trong bản đều được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Với cách tuyên truyền đó, từ việc chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới năm 2012 (từ 10-14 tiêu chí: 1 xã; từ 5-7 tiêu chí: 17 xã; dưới 5 tiêu chí: 75 xã) đến nay toàn tỉnh Lai Châu đã đạt bình quân 11,95 tiêu chí/xã. Trong đó có 20 xã đạt 19 tiêu chí; từ 15-18 tiêu chí: 1 xã; từ 10-14 tiêu chí: 38 xã; từ 5-9 tiêu chí: 37 xã; không có xã nào dưới 5 tiêu chí. Trong quá trình thực hiện, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã hiến hàng nghìn mét vuông đất; hàng trăm nghìn ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng; nêu cao vai trò trong việc tham gia ý kiến, cùng thực hiện và giám sát các công trình xây dựng tại địa phương.
Để thực hiện được chỉ tiêu đề ra theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ có 38/96 xã đạt chuẩn nông thôn mới (50% số xã trong tỉnh); bình quân toàn tỉnh đạt ít nhất 15 tiêu chí/xã; thành phố Lai Châu hoàn thành xây dựng nông thôn mới; các xã đạt chuẩn nông thôn mới đươc duy trì và nâng cao chất lượng... Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đã xác định công tác truyên truyền giữ vai trò chủ đạo, xuyên suốt trong cả quá trình thực hiện. Bởi vậy, các cấp, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc hiểu rõ về chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới ở địa phương để chủ động và tự giác tham gia.
Việc tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với những cách thức, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Tuyên truyền phải gắn với điều kiện thực tế, tuyên truyền phải gắn với nêu gương, tuyên truyền phải có những bài học, dẫn chứng cụ thể, có sức thuyết phục để bà con học tập làm theo.
Nêu cao vai trò của đội ngũ tuyên truyền viên, cán bộ, đảng viên tại các khu dân cư, các bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong việc triển khai thực hiện, gương mẫu đi đầu bởi đó chính là hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm”; “đảng viên tiên phong đi trước, làng nước theo sau”...
Xây dựng nông thôn mới là việc làm mới và khó. Không chỉ vậy, trong những năm tới, việc phấn đấu thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới càng trở nên khó khăn bởi các tiêu chí dễ làm, dễ thực hiện, ít kinh phí đã được thực hiện trước, còn lại là những tiêu chí khó đạt, khó thực hiện. Muốn đạt được mục tiêu, kế hoạch thì đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thì triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới./.
Tác giả: Nguyễn Chanh
Ý kiến bạn đọc