Theo đó, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với 49 cơ sở tại 3 địa phương. Nội dung tập trung vào giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến, nguồn nhân lực (đối với các công ty và hợp tác xã); sử dụng nguyên liệu, bố trí để sơ chế, chế biến (đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình).
Kết quả, đối với công ty, hợp tác xã, 100% cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phù hợp với hoạt động sơ chế, chế biến chè; hầu hết các cơ sở có sổ, sách ghi chép theo dõi quá trình sơ chế, chế biến, quản lý nguyên liệu đầu vào và đầu ra sản phẩm. 8/10 cơ sở có địa điểm sơ chế, chế biến tương đối phù hợp, không bị ảnh hưởng của các nguồn ô nhiễm và có hệ thống cung cấp điện, nước và giao thông thuận lợi. 7/10 cơ sở đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, bán tự động hiện đại phù hợp với quá trình sơ chế, chế biến, giúp giảm thiểu khả năng lây nhiễm chéo và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm chè. Gần 50% cơ sở có nhà xưởng thiết kế, bố trí phù hợp và theo nguyên tắc một chiều, có tường ngăn giữa các khu vực sơ chế, chế biến. Các bề mặt tiếp xúc trực tiếp với chè đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật và hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo đến chất lượng sản phẩm chè. Hầu hết các cơ sở đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân trực tiếp sản xuất, chế biến và người quản lý theo đúng quy định. Các cơ sở cũng đã cho công nhân tham gia lớp tập huấn và được cấp giấy xác nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình: hầu hết các hộ gia đình có địa điểm sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ sơ chế, chế biến chè xanh theo diện tích của gia đình trồng, mỗi hộ có khoảng 0,2 - 2ha và một số ít nguyên liệu thu mua từ người thân quen để chế biến. Các gia đình bố trí nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị và thường xuyên làm công tác vệ sinh sau mỗi ca sản xuất…
Tuy nhiên, việc thiết kế nhà xưởng ở một số khâu chưa hợp lý, hệ thống thông gió, hút bụi, chiếu sáng chưa đảm bảo yêu cầu; chưa có tường ngăn cách giữa các khu vực; bề mặt tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm có hiện tượng xuống cấp; cán bộ kỹ thuật giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã chưa đúng chuyên môn. 100% hộ sản xuất chè quy mô nhỏ lẻ chưa được trang bị kiến thức và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa thực hiện khám sức khỏe định kỳ…
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản đã đề xuất Phòng Kinh tế thành phố và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Trạm Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, các cơ sở sơ chế, chế biến chè có giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm chè, góp phần duy trì bền vững thương hiệu chè Lai Châu.
Tác giả: Hà Anh
Ý kiến bạn đọc