Có mơ anh Hảng A Huề (bản Cốc Phát) cũng không nghĩ cuộc sống của gia đình ổn định như hôm nay. Cùng với trồng chè, gia đình anh cũng trồng xen canh gần 1ha mắc ca. Thực hiện chăm sóc song song 2 loại cây thay thế trên đất nương đối với gia đình anh có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sản phẩm của cả chè và mắc ca đều cho giá trị kinh tế cao và không lo về đầu ra. Đối với cây chè có Công ty Cổ phần chè Tam Đường bao tiêu sản phẩm; mắc ca thì tiểu thương đến tận nương thu mua, giá thành cao. Anh Huề chia sẻ: “Khi trồng mắc ca tôi chỉ nghĩ là trồng cây bóng mát trên nương chè, nhưng đến nay cây trồng này lại đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cây ra quả đều, không tốn công chăm sóc, giá bán lúc cao đạt 50 nghìn đồng/kg tại vườn. Hiện gia đình tôi thu được 2 vụ mắc ca, những năm tiếp theo, mắc ca bước vào giai đoạn kinh doanh sản lượng quả sẽ cao theo đó thu nhập tăng hơn”.
Qua điều tra rà soát, hiện nay trên địa bàn xã có 1.853 cây mắc ca, số cây có hoa, quả là 881 cây. Mắc ca được trồng xen canh chè vừa có thu nhập, vừa có bóng mát giúp cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Với hơn 400ha chè như hiện nay, Bản Bo hứa hẹn là vùng thuận lợi cho phát triển, nhân rộng diện tích mắc ca. Anh Đỗ Trọng Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi thành công một số loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như chè, lúa chất lượng cao... Sau quá trình trồng thử nghiệm thành công, cấp ủy, chính quyền, Nhân dân trong xã cũng tin tưởng mắc ca đem lại hiệu quả cao, tiếp thêm động lực cho nông dân trong xã làm giàu”.
Thông qua khảo sát thực tế, tham quan mô hình trồng thử nghiệm mắc ca xen chè trên địa bàn huyện Tam Đường nói chung, xã Bản Bo nói riêng, nhận thấy cây mắc ca có khả năng sinh trưởng tốt trên đất kém màu mỡ, chịu được sương muối, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh và phù hợp che tán cho cây chè, Viện Mắc ca Sơn La đã triển khai Đề án trồng mắc ca xen chè với diện tích 5ha tại 2 bản Hưng Phong và Phiêng Tiên. Huyện Tam Đường cũng thực hiện mô hình trồng cây mắc ca xen chè với diện tích 52ha tại 5 bản: Cò Nọt Mông, Nà Sẳng, Hưng Phong, Nà Ly, Cốc Phung. Trước khi triển khai thực hiện, các bản tổ chức họp dân lấy ý kiến, đăng ký diện tích trồng. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn cử cán bộ xuống tập huấn, hướng dẫn người dân quy trình đào hố, bón phân, kỹ thuật trồng.Hiện đã có Công ty Cổ phần Mắc ca Sơn La đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá tạm tính 30 nghìn đồng/kg. Tham gia trồng mắc ca, người dân được hỗ trợ cây giống, 1kg phân bón/cây, thuốc chống mối. Mắc ca trồng xen canh có mật độ 100 cây/ha. Sau hơn 2 tháng trồng, tỷ lệ mắc ca sống đạt trên 98%. Hiện nay, cán bộ chuyên môn huyện, xã đang tiến hành kiểm tra, trực tiếp hướng dẫn người dân cách loại bỏ bớt các mầm, cành xung quanh, để lại từ 1 - 2 thân chính giúp cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng.
Chị Vàng Thị Mú (bản Cò Nọt Mông) chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển đổi nương hoang hóa sang trồng chè có việc làm thu nhập ổn định, nay tiếp tục trồng cây mắc ca xen canh với hy vọng loại cây này cùng sinh trưởng phát triển tốt giúp chúng tôi vươn lên làm giàu. Hôm nay, cán bộ xã xuống hướng dẫn, kiểm tra cách tỉa lá, cành, tôi có thêm kiến thức chăm sóc mắc ca”.
Với hiệu quả bước đầu cây mắc ca mang lại cho nông dân Bản Bo, hy vọng với sự đầu tư, chính sách hỗ trợ của huyện, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thời gian không xa, mắc ca sẽ thực sự khẳng định là một trong những cây trồng chủ lực giúp Nhân dân làm giàu.
Mắc ca có tên Quốc tế là Macadamia, cây trồng được 3 năm cho quả bói, khi cây bước vào giai đoạn kinh doanh sản lượng quả có thể đạt hơn 15kg quả/cây. Quả mắc ca có 2 lớp vỏ (vỏ mềm bên ngoai có màu xanh, vỏ cứng bên trong có màu nâu vàng). Sau khi tách lớp vỏ cứng thu được phần nhân có màu trắng, ăn có hương thơm nhẹ, ngậy, bùi và có nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất cung cấp cho cơ thể con người. Điển hình hỗ trợ sức khỏe cho người bị bệnh tiểu đường, huyết áp… Ngoài việc sử dụng thông thường, nhân của mắc ca còn được chế biến thành mỹ phẩm giúp chi em phụ nữ chăm sóc làn da.
Tác giả: Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc