(laichau.gov.vn) Tháng 7/2016, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu ban hành Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Năm 2017, tỉnh Lai Châu đã thực hiện 10 nội dung hỗ trợ để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Chính sách đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Cùng với đó, việc giám sát cũng được thực hiện tại một số địa phương trong tỉnh để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, qua đó tham mưu sửa đổi hoàn thiện để thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong những năm tiếp theo. |
Sau khi Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND được ban hành, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 9 văn bản hướng dẫn triển khai các nội dung của Nghị quyết. 10 nội dung hỗ trợ đã được tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện, nhờ đó nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bước đầu có những chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp tăng nhanh về khối lượng, chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, thực hiện đầu tư thâm canh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tính đến hết tháng 7, tổng diện tích lúa gieo trồng toàn tỉnh là 24.562/27.50 ha, đạt 89,3% Nghị quyết; chè là 4.972/6.000 ha; quế là 4.313/10.000 ha; sơn tra 1.603/3.000 ha.
Ông Đoàn Đức Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Để giám sát việc thực hiện Nghị quyết, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Mường Tè, Tam Đường và 1 số xã tại 2 huyện này. Qua các buổi làm việc thấy rõ việc triển khai Nghị quyết đến Nhân dân đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương triển khai bằng nhiều hình thức phù hợp, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện, bố trí kịp thời nguồn lực đảm bảo thực hiện 10 nội dung của chính sách.
Cụ thể, toàn tỉnh đã hỗ trợ lúa thuần cho 18.299 hộ nông dân với 2.702ha, 197.400kg giống với tổng kinh phí 3.277 triệu đồng; hỗ trợ ngô lai cho 26.312 hộ với 6.789ha; hỗ trợ phát triển cây chè cho vùng nguyên liệu tập trung là 771ha với 1.938 hộ; hỗ trợ phát triển cây quế, cây sơn tra được thực hiện theo đúng kế hoạch và mục tiêu đề án tại các địa phương. Các huyện Tam đường, Than Uyên đã thực hiện hỗ trợ phát triển cây ăn quả ôn đới, đến nay đã thực hiện được hơn 3ha tại huyện Than Uyên... Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ hàng năm, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh bố trí đủ để thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết, thực hiện việc thanh quyết toán đúng quy định. Trong số các địa phương thực hiện thì huyện Phong Thổ thực hiện giải nhân cao nhất với tỷ lệ đạt 41,73%.
Ngày 28/7/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021. Năm 2017 là năm đầu tiên tỉnh thực hiện việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết. Theo đó, 10 nội dung hỗ trợ theo Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh bao gồm: Hỗ trợ giống lúa thuần; Hỗ trợ giống ngô lai; Hỗ trợ phát triển cây chè cho vùng nguyên liệu tập trung; Hỗ trợ phát triển cây quế; Hỗ trợ phát triển cây sơn tra; Hỗ trợ phát triển cây ăn quả ôn đới; Hỗ trợ chuyển đổi phương thức chăn nuôi gia súc; Hỗ trợ khai hoang ruộng nước; Hỗ trợ vôi cải tạo đất ruộng; Hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp. |
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã mang lại kết quả quan trọng như: thực hiện tốt việc hỗ trợ giống lúa thuần, ngô lại, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo bước chuyển dịch theo hướng tích cực; từ chính sách hỗ trợ phát triển chè, quế, sơn tra đã dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, thu hút sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp và phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, tạo việc làm ổn định cho người lao động, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Cũng qua quá trình giám sát, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã chỉ rõ những hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị quyết như, việc hỗ trợ giống lúa thuần diện tích hỗ trợ đạt thấp so với tổng diện tích gieo cấy do tỷ lệ hỗ trợ về diện tích ít; giá giống sau khi được hỗ trợ chênh lệch không đáng kể so với giá thị trường trong khi lúa thuần người dân có thể để giống 2-3 vụ; hỗ trợ giống ngô lai diện tích được hỗ trợ giống so với tổng diện tích đăng ký chưa đạt mục tiêu Nghị quyết; tiến độ cung ứng giống hỗ trợ phát triển cây chè cho vùng nguyên liệu tập trung ở một số nơi còn chậm; định mức chính sách hỗ trợ phát triển cây sơn tra còn chưa đảm bảo chi phí trồng theo định mức về mật độ theo quy định...; việc quản lý, kiểm tra cung ứng giống một số nơi chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng một số giống chưa đảm bảo, giá hỗ trợ giống cao hơn giá thị trường; việc phân khai nguồn vốn, hướng dẫn thực hiện các nguồn vốn lồng ghép chưa kịp thời.
Giải quyết vấn đề này, ông Đoàn Đức Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh – Trưởng đoàn Giám sát cho biết, đoàn đã kiến nghị với UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung hỗ trợ của chính sách phát triển nông nghiệp, cụ thể như hỗ trợ giống lúa thuần sẽ hỗ trợ 100% diện tích gieo cấy, 50% giá giống đối với vùng sản xuất tập trung; sửa đổi lại một số nội dung hướng dẫn cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xem xét đơn giá hỗ trợ trồng cây sơn tra đảm bảo phù hợp với quy định. Ngoài ra, các đơn vị cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các địa phương, đơn vị tư vấn và cung ứng giống; đơn vị thẩm định giá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung, mục tiêu của Nghị quyết đến với Nhân dân./.
Tác giả: Nguyễn Chanh
Nguồn tin: www.laichau.gov.vn
Ý kiến bạn đọc