Như vậy, sau 8 năm xây dựng, hoàn thiện, trình qua 3 kỳ họp Quốc hội, Luật Quy hoạch được đánh giá là bộ luật cải cách, đổi mới đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ khá cao. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Các quy định của Luật về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tư tưởng cải cách, đổi mới của Luật Quy hoạch được cho là không chỉ tạo nên một “cuộc cách mạng” trong công tác lập quy hoạch, lâu nay manh mún, chồng chéo, kém hiệu quả, thiếu tính thị trường, mà quan trọng hơn hết, sẽ góp phần tạo động lực để thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Luật Quy hoạch cũng sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam tái cơ cấu nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng thay đổi phương thức quản lý của Nhà nước - trước thiên về mục tiêu quản lý, nay vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo kiến tạo, phát triển, phục vụ phát triển.
Luật quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý Nhà nước trong hoạt động quy hoạch.
Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Luật quy định rõ trình tự trong hoạt động quy hoạch gồm: Lập quy hoạch; thẩm định quy hoạch; quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch; công bố quy hoạch; thực hiện quy hoạch.
Về chính sách của Nhà nước về hoạt động quy hoạch, Luật quy định Nhà nước quản lý phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, thì hệ thống quy hoạch quốc gia, bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia; Quy hoạch cấp quốc gia gồm quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia; Quy hoạch vùng; Quy hoạch tỉnh; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệtdo Quốc hội quy định; Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Luật Quy hoạch là không bổ sung quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất vào hệ thống quy hoạch.
Giải trình về nội dung này, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Biên giới quốc gia đã khẳng định biên giới quốc gia của nước CHXHCN Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của Việt Nam.
Các khái niệm quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đều được định nghĩa theo hướng là việc phân vùng và liên kết vùng, chia sẻ sử dụng không gian mang tính chiến lược và thống nhất, trong đó có không gian biển, không gian mặt đất, không gian ngầm dưới đất, không gian trong lòng biển, không gian đáy biển, không gian dưới đáy biển và không gian vùng trời của lãnh thổ quốc gia.
Riêng đối với vùng trời ở một độ cao nhất định còn chịu sự điều chỉnh của các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không bổ sung thêm quy hoạch vùng trời và quy hoạch không gian ngầm dưới lòng đất vì đã được bao hàm trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia”, ông Vũ Hồng Thanh giải trình.
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là vấn đề điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, có ý kiến đồng tình với quy định cho phép quy hoạch thấp hơn điều chỉnh trước quy hoạch cao hơn và việc điều chỉnh này có thể ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn sau khi đã xin chủ trương của cơ quan quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch cao hơn. Quy định này bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp quy hoạch cấp dưới cần phải điều chỉnh, có thể ảnh hưởng tới quy hoạch cấp trên mà quy hoạch cấp trên chưa được điều chỉnh kịp thời. Một số ý kiến đề nghị không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm tính nguyên tắc và kỷ luật trong hệ thống quy hoạch quốc gia, dự thảo Luật Quy hoạch không cho phép điều chỉnh quy hoạch thấp hơn nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn.
Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 25/10/2017, về điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, đây là một vấn đề rất quan trọng, phức tạp.
“Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn khó hơn. Vì thế, phải đảm bảo điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhưng cũng phải đảm bảo những nguyên tắc nhất định, không được điều chỉnh tùy tiện trong quá trình thực hiện quy hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Để đảm bảo tính thựcthi của các bản quy hoạch, Luật Quy hoạch cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch gồm: Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến việc đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật. Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch.
Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật Nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu trong hoạt động quy hoạch. Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch./.
Tác giả: Phương Anh
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc