Cây ăn quả ôn đới bén duyên trên đất huyện Tam Đường từ cuối năm 2013 khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây ăn quả ôn đới (Viện Nông nghiệp miền núi phía Bắc) triển khai trồng thử nghiệm một số giống cây ăn quả ôn đới tại xã Giang Ma gồm: lê, đào chín sớm. Kết quả sau 3 năm trồng, cây đào đã cho thu hoạch. Do thời điểm thu hoạch sớm vào trung tuần tháng 4 nên bán được giá, trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Mỗi cây cho thu hoạch khoảng 30kg thu nhập khoảng 1 triệu đồng/cây.
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai Dự án phát triển cây ăn quả ôn đới trên địa bàn 16 bản của 3 xã: Nùng Nàng, Giang Ma, Hồ Thầu của huyện Tam Đường, với diện tích 37ha gồm 4 loại cây: hồng, lê, mận, đào. 212 hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống và phân bón 3 năm đầu. Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như cấp ủy, chính quyền các xã đều xác định để vận động bà con tin tưởng làm theo là rất khó khăn vì bao đời nay người dân chỉ quen trồng cây ngô, cây lúa. Do đó, thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc” Trung tâm bố trí 3 cán bộ kỹ thuật tại 3 xã phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn, đôn đốc bà con làm cỏ, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Đến nay, các loại cây đào, mận, lê thích nghi tốt với điều kiện thời tiết khí hậu và thổ nhưỡng, tỷ lệ cây sống đạt từ 83 - 87%. Riêng cây hồng chưa thực sự phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết nên tỷ lệ cây sống chỉ đạt 50%. Qua theo dõi, các loại cây ăn quả đều xuất hiện một số loại sâu bệnh như: sâu xanh ăn lá, rệp, bệnh chảy gôm, xoăn lá cục bộ, song đã được cơ quan chuyên môn cấp thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn người dân phòng trừ kịp thời nên không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây. Hiệu quả rõ nét nhất sau hơn 2 năm trồng, cây đào đã cho thu hoạch đạt 50 - 70% diện tích, năng suất đạt 600 - 840kg/ha. Một số diện tích mận cũng bắt đầu cho thu bói. Với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg đào sẽ cho thu nhập từ 18 - 25 triệu đồng/ha.
Trong 3 xã triển khai Dự án thì Giang Ma là xã có diện tích trồng nhiều nhất (21,5ha) với 117 hộ, tập trung ở các bản: Giang Ma, Sử Thàng, Mào Phô, Bãi Bằng… Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Giang Ma, việc triển khai Dự án phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân, được các hộ tham gia nhiệt tình ủng hộ. Xã xác định cây ăn quả ôn đới là thế mạnh phát triển để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Hiện toàn xã có 33,9ha cây ăn quả ôn đới. Nhờ tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc đến thời điểm này 12ha cây đào chín sớm đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt trên 15 tấn. Nhận thấy hiệu quả kinh tế cây đào mang lại tháng 12/2016 xã Giang Ma tiếp tục trồng mới 3,5ha đào chín sớm.
Đến thăm vườn trồng cây ăn quả của gia đình anh Giàng A Sang (bản Bãi Bằng, xã Giang Ma) đúng lúc vợ chồng anh đang tập trung làm cỏ, tạo tán cho cây. Tâm sự với chúng tôi, anh Sang vui mừng nói: “Được Nhà nước hỗ trợ giống, gia đình tôi trồng 270 cây đào, lê, hồng. Nhờ tích cực chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Riêng cây đào cho bói năm đầu tiên quả to và ngọt. Hy vọng từ sang năm các loại cây ăn quả sẽ mang lại thu nhập cho gia đình”.
Không chỉ ở xã Giang Ma, các xã: Nùng Nàng, Hồ Thầu cây đào chín sớm, mận tam hoa bước đầu mang lại thu nhập cho người dân. Tạo động lực để các xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả ôn đới. Riêng bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu) hiện nay bà con quy hoạch được vùng trồng cây ăn quả gồm 4ha lê, 8ha đào, 0,5ha mận, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con.
Tuy nhiên hiện nay phát triển cây ăn quả ôn đới trên địa bàn huyện Tam Đường còn gặp rất nhiều khó khăn. Đó là, chủng loại cây ăn quả ôn đới còn nghèo nàn, chất lượng quả không cao, một số loại cây ăn quả truyền thống, như đào, mận, lê địa phương… sau nhiều năm khai thác sẽ bị thoái hóa, lại thiếu sự đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích trồng còn nhỏ lẻ, manh mún. Thị trường tiêu thụ còn hẹp, phụ thuộc chính vào lái buôn theo mùa vụ, dẫn đến tình trạng bị ép giá, giá không ổn định. Vì vậy, thời gian tới, bà con mong muốn cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con yên tâm quyết đưa cây ăn quả ôn đới trở thành cây trồng chủ lực của huyện.
Tác giả: Hà Tĩnh
Ý kiến bạn đọc