Hiện, huyện Nậm Nhùn có 18 điểm TĐC các công trình thủy điện, thuộc 6 xã: Nậm Hàng, Nậm Manh, Mường Mô, Nậm Chà, Lê Lợi và thị trấn Nậm Nhùn với tổng số 2.018 hộ. Đến nay, việc sắp xếp dân cư ở các điểm TĐC đã ổn định, ngoài việc đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, đẩy mạnh công tác khai hoang ruộng nước nhằm giải quyết lương thực tại chỗ, chính quyền địa phương còn tuyên truyền, hỗ trợ người dân tham gia các dự án nông, lâm, ngư nghiệp tăng thêm thu nhập. Các dự án tiềm năng như trồng các loại cây ăn quả tại các điểm TĐC với tổng diện tích 81ha; trồng hơn 14ha cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi tập trung và dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Lai Châu với tổng số hơn 80 lồng nuôi. Các dự án triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương và người dân hưởng ứng nhiệt tình nên phát huy hiệu quả.
Là xã có 2 điểm TĐC Thủy điện Sơn La với tổng số 360 hộ dân, xã Nậm Hàng gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu di dân đến nơi ở mới vì thiếu đất sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, xã tạo mọi điều kiện cho các hộ TĐC bản Nậm Ty được tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển mạnh nghề khai thác thủy sản trên lòng hồ thủy điện, phối hợp với huyện triển khai thực hiện dự án trồng cây ăn quả và dự án trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi với sự tham gia của các hộ thuộc điểm TĐC Phiêng Luông. Đến nay, điểm TĐC bản Nậm Ty có 95/102 hộ có phương tiện đánh bắt thủy sản trên mặt hồ Thủy điện Sơn La, thu nhập bình quân từ bán cá, tôm mỗi ngày không những đủ để trang trải cuộc sống mà còn giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu; dự án trồng cỏ VA06 cũng phát huy hiệu quả, thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc tập trung. Không riêng xã Nậm Hàng, mà hầu hết các xã có điểm TĐC đều tận dụng tối đa lợi thế gần các khu vực lòng hồ thủy điện, giúp người dân phát triển mạnh nghề khai thác và nuôi thủy sản trên lòng hồ mang về nguồn thu ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/hộ/tháng.
Huyện Nậm Nhùn còn chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào TĐC các công trình thủy điện quốc gia. Công tác đào tạo nghề vùng TĐC được thực hiện lồng ghép với việc thực hiện các chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ. Qua đó, tỷ lệ trung bình lao động qua đào tạo tính đến hết năm 2016 tại các xã, thị trấn có điểm TĐC đạt 41,41%. Bên cạnh đó, người dân còn làm tốt công tác chăm sóc bảo vệ, phát triển rừng để hưởng lợi từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Đến nay, người dân các điểm TĐC đã thành lập 18 tổ tuần tra bảo vệ rừng với sự tham gia của 100% các hộ trên địa bàn, tích cực tuần tra bảo vệ diện tích hơn 12.000ha rừng. Từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang về cho các điểm TĐC thủy điện tổng số tiền hơn 6,5 tỷ đồng/năm, góp phần đáng kể vào nâng cao thu nhập cho bà con.
Nhờ thực hiện hiệu quả các dự án kinh tế giảm nghèo gắn với bảo vệ phát triển rừng, đã giúp giảm dần tỷ lệ hộ nghèo tại các điểm TĐC theo từng năm. Trong giai đoạn 2013 - 2015 tổng số hộ nghèo giảm tại các điểm TĐC là 307 hộ, trung bình hàng năm giảm 8,05% (theo chuẩn nghèo cũ); tính đến hết năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo tại các điểm TĐC chỉ còn 14,39% (theo chuẩn nghèo mới).
Ông Nguyễn Quang Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn cho biết: “Thời gian tới, để tiếp tục giúp người dân các điểm TĐC thủy điện trên địa bàn ổn định về đời sống, huyện Nậm Nhùn tập trung làm tốt công tác hỗ trợ người dân phát triển sản xuất tạo nguồn lương thực tại chỗ; tiếp tục hỗ trợ các hộ chăm sóc tốt các dự án trồng cây ăn quả lâu năm; mở rộng diện tích trồng cỏ VA06, phát triển chăn nuôi tập trung; hỗ trợ tối đa về vốn, kỹ thuật cho các hộ tham gia đánh bắt và nuôi thủy sản trên lòng hồ thủy điện; tìm đầu ra cho sản phẩm cây ăn quả, thủy sản của người dân… hướng tới một nền kinh tế bền vững, mang lại thu nhập ổn định tại các điểm TĐC”.
Tác giả: Ngọc Duy
Ý kiến bạn đọc