Trước thực trạng đó, xã bám sát Đề án Phát triển vùng chè của tỉnh tổ chức họp bàn, xây dựng kế hoạch quyết tâm đưa cây chè lên vùng cao. Cử cán bộ xã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể và cơ quan chuyên môn huyện xuống từng bản họp, tuyên truyền, vận động Nhân dân lợi ích từ trồng chè. Tổ chức cho một số hộ dân tham quan, học tập các mô hình trồng chè thâm canh có năng suất cao ở một số địa phương trong tỉnh. Đồng thời, giải thích thấu đáo những băn khoăn, thắc mắc của bà con về lợi ích sau khi cây chè cho thu hoạch.
Ông Hoàng Văn Thiết - Chủ tịch UBND xã Tà Mung chia sẻ: “Xã đưa cây chè vào trồng theo hướng khai thác tiềm năng địa phương như: đất đai, nguồn lao động gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó tác động vào nhận thức Nhân dân trong việc xóa bỏ tập quán canh tác cũ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng hiệu quả kinh tế bền vững”.
Theo kế hoạch, đến năm 2020 tổng diện tích chè toàn xã đạt 260ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 160ha, tỷ lệ cơ cấu giống mới có năng suất, chất lượng cao chiếm trên 98%. Riêng năm 2017, xã có kế hoạch trồng mới 50ha chè giống PH8 tại các bản: Lun 1, 2, Pá Liềng, Tà Mung, Hô Ta. Đến nay, nông dân trong xã làm đất 67ha, trồng trên 1ha, dự kiến hoàn thành cuối tháng 7. Về cơ chế chính sách hỗ trợ, xã thực hiện đúng quy định theo Quyết định 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, các chương trình hỗ trợ khác; ưu tiên lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn.
Theo đó, các hộ tham gia trồng chè được hỗ trợ 100% giống, phân bón trong năm đầu tiên và 15 triệu đồng/ha hỗ trợ chuyển đổi đất và trồng dặm khi cây bị chết. Cán bộ cơ quan chuyên môn của huyện cũng phối hợp với cán bộ xã xuống các bản hướng dẫn bà con bón đủ phân hữu cơ, bón lót trước khi trồng chè; hội thảo đầu bờ, tư vấn, tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc cây chè thời kỳ kiến thiết. Đồng thời, đẩy mạnh công tác dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại chè và hướng dẫn nông dân phun trừ hiệu quả, đảm bảo an toàn cho sản xuất.
Là 1 trong 140 hộ tham gia trồng chè năm 2017 của xã, gia đình ông Hoàng Văn Đê - bản Pá Liềng vừa hoàn thành trồng mới 2,2ha đất trồng chè. Ông Đê hồ hởi: “Nhiều diện tích đất của gia đình trồng ngô, khoai, sắn hiệu quả kinh tế không cao. Khi biết tỉnh, huyện chủ trương đưa cây chè vào trồng tôi mừng lắm, vì đây là cây công nghiệp dài ngày vừa tạo việc làm, tăng thu nhập, phủ xanh đất trống đồi trọc. Hy vọng, cây chè sau này sẽ ngày càng phát triển xanh tốt giúp bà con đổi đời”.
Còn với hộ ông Lò Văn Cường - bản Lun 1 lúc đầu còn e dè vì chưa tin cây chè có thể thích nghi, phát triển ở vùng đất nơi đây. Được cán bộ xã, trưởng bản tuyên truyền, vận động, gia đình ông đăng ký trồng trên 2,2ha đất nương. Ông Cường cho biết: “Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó đưa cây chè vào thâm canh, tôi băn khoăn vì chưa làm bao giờ. Khi tìm hiểu giá trị kinh tế cây chè mang lại, tôi bàn với gia đình chuyển đổi đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng chè. Hiện nay, gia đình tôi đang chờ phát giống chè và đã chuẩn bị nhân lực tiến hành trồng”.
Chủ trương đưa cây chè vào trồng trên vùng cao Tà Mung được Nhân dân trong xã hưởng ứng, đồng tình ủng hộ thực hiện. Chắc chắn chỉ nay mai thôi, diện tích đất trống, đất đồi hoang hóa, bạc màu của xã sẽ phủ màu xanh của chè.
Tác giả: Tùng Phương
Ý kiến bạn đọc