Cụ thể, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này là hộ đồng bào, hộ nghèo các dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Địa bàn thực hiện tại 194 thôn, bản có đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống tại 93 xã thuộc 37 huyện của 12 tỉnh, bao gồm: dân tộc Lô Lô tỉnh Cao Bằng; dân tộc Lự, Shi La tỉnh Lai Châu; dân tộc Shi La tỉnh Điện Biên; dân tộc La Ha tỉnh Sơn La; dân tộc Phù Lá, Bố Y, Pà Thẻn, Lô Lô, Pu Péo tỉnh Hà Giang; dân tộc Bố Y, Phù Lá tỉnh Lào Cai; dân tộc Pà Thẻn tỉnh Tuyên Quang; dân tộc Phù Lá tỉnh Yên Bái; dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An; dân tộc Chứt tỉnh Hà Tĩnh; dân tộc Chứt tỉnh Quảng Bình; dân tộc Brâu, Rơ Măm tỉnh Kon Tum.
Những đối tượng trên sẽ được hỗ trợ giống, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao và một số vật tư đầu vào làm tăng giá trị sản phẩm thông qua hình thức tổ chức sản xuất thích hợp (tổ hợp tác). Mức hỗ trợ 500 triệu đồng/Tổ hợp tác/thôn, bản cho mô hình phát triển sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương (số mô hình lựa chọn không quá 30% trong tổng số 194 thôn, bản).
Bên cạnh đó, hỗ trợ 1 lần tiền mua giống gia súc, gia cầm và vắc xin tiêm phòng dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo 1 đến 2 năm; mức hỗ trợ một lần 10 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ 1 lần/hộ chưa có chuồng trại chăn nuôi hoặc hộ có chuồng trại chăn nuôi gần nơi ở gây mất vệ sinh, để xây dựng chuồng trại mới hoặc di chuyển chuồng trại ra xa nơi ở; mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Hỗ trợ 1 lần/hộ để cải tạo ao nuôi thủy sản có diện tích từ 100m2 trở lên; mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.
Hỗ trợ đất sản xuất, trồng rừng, khoán bảo vệ rừng
Theo dự thảo, hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương xếp đá cho hộ đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người chưa có hoặc thiếu đất sản xuất được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
Hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và khuyến lâm; trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng thực hiện theo quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất cho đồng bào. Cụ thể, tổ chức lớp tập huấn cho các hộ gia đình về kiến thức sản xuất, mô hình sản phẩm có thế mạnh của địa phương tại thôn, bản 1 lần/1thôn, bản/1 năm, thực hiện trong 3 năm; định mức 30 triệu đồng/lớp/thôn, bản/1 năm. Hỗ trợ tổ chức tham quan học tập cho cộng đồng thôn, bản 1 cuộc/1 thôn, bản; 3 cuộc cho cả giai đoạn thực hiện Đề án; định mức 50 triệu đồng/1 cuộc.
Hỗ trợ cho cán bộ khuyến nông, khuyến lâm công tác tại xã. Định mức hỗ trợ 2 triệu đồng/xã/năm.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tác giả: Tuệ Văn
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc