Theo ông Vương Văn Đào - Phó Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Nậm Mạ - đơn vị trực tiếp triển khai trồng quế ở các xã vùng thấp cho biết: Gần như tất cả các bộ phận của cây quế đều có giá trị kinh tế. Từ vỏ, hoa, lá, cành, rễ đều có chứa tinh dầu, đặc biệt trong vỏ có hàm lượng tinh dầu cao nhất, đạt 4-5%. Tinh dầu quế có màu vàng và mùi thơm đặc trưng, vị cay ngọt rất được ưa chuộng, thành phần chủ yếu là Aldehyt cinamic (chiếm khoảng 70-90%). Sau khi trồng khoảng 8-10 năm, cây quế bắt đầu ra hoa, kết quả và tạo hạt, mỗi hạt quế có giá từ 2.500-3.000 đồng. Đối với quá trình sinh trưởng của cây quế, từ lúc ươm cho đến dưới 4 năm tuổi ưa bóng râm, sau 4 năm tuổi lại hoàn toàn ưa sáng. Khi trưởng thành, cây cần ánh sáng đầy đủ, ánh sáng càng nhiều, cây sinh trưởng nhanh và chất lượng tinh dầu cao. Quế thích hợp với những vùng nóng ẩm có nhiệt độ từ 19-22,50C, lượng mưa hàng năm trên 2.000mm. Quế có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất có nguồn gốc đá mẹ khác nhau, đất ẩm nhiều mùn, đất đỏ vàng, đất cát pha, đất đồi núi… có thể thoát nước tốt và độ cao trên 700m so với mực nước biển.
Xác định đây là cây kinh tế mũi nhọn ở khu vực vùng thấp trong những năm tới, huyện hỗ trợ cho các xã phát triển cây quế như: triển khai ươm và cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng cho bà con; tổ chức các buổi tham quan mô hình trồng quế tại huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) cho cán bộ lãnh đạo các xã vùng thấp, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân, hỗ trợ phân bón... Trong quá trình cây phát triển, người dân có thể tỉa cành và tận dụng lá, cành, thân để bán, với giá thu mua từ 1.900-2.500 đồng/kg (có thu nhập khi cây chưa cho thu hoạch vỏ). Cũng theo thông tin từ ông Đào, tại các huyện trồng quế của tỉnh Yên Bái, với việc tận thu vỏ, thân, gốc, lá, cành, các hộ trồng quế có thể thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm. Mật độ trồng khoảng 5.000 cây/ha, mỗi cây quế cho thu khoảng 10-12kg vỏ (trị giá 25.000 đồng/kg). Phần thân gỗ bóc vỏ bán 700 nghìn đồng/m3. Như vậy, tính tổng thể một héc ta quế cho thu hoạch có thể đem lại hơn 1 tỷ đồng. Đặc biệt, thị trường quế ổn định, ít có biến động như những loại cây trồng khác nên người dân có thể yên tâm phát triển loại cây này. Trên thị trường hiện nay, vỏ cây quế được ưa chuộng, thường sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn bởi có hương thơm đặc biệt. Vỏ quế còn chế biến ra rất nhiều sản phẩm phong phú khác như: quế ống, bột quế, đồ thủ công mỹ nghệ… Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu tạo nên các loại nước hoa nổi tiếng trên thị trường, còn thân cây cung cấp gỗ.
Với giá trị cao là vậy, song hiện nay việc vận động người dân trồng quế ở các xã vùng thấp cũng gặp không ít khó khăn. Người dân chưa tin tưởng vào những lợi ích mà cây quế có thể đem lại, hơn nữa thời gian sinh trưởng và thu hoạch tương đối dài, nhiều hộ chưa dám mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kinh nghiệm trồng quế chưa có cũng là rào cản không nhỏ trong mở rộng diện tích. Ở thời điểm hiện tại, Ban Quản lý dự án rừng phòng hộ Nậm Mạ đã cấp giống cho Nhân dân các xã: Ma Quai, Lùng Thàng, Nậm Hăn, Nậm Mạ, Căn Co, Noong Hẻo, Nậm Cha… Tuy vậy, bà con chưa thể trồng do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Ông Lường Văn Đô - Chủ tịch UBND xã Nậm Mạ cho biết: “Năm 2017, xã có kế hoạch trồng 105,7ha quế và đến thời điểm này chúng tôi đã nhận được cây giống để triển khai trồng 38ha. Những ngày gần đây thời tiết nắng nóng kéo dài nên bà con chưa thể trồng, chờ có mưa chúng tôi sẽ triển khai trồng để đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt cao. Cấp ủy, chính quyền cũng hy vọng cây quế sẽ mở ra hướng đi mới trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương”.
Với sự quan tâm thường xuyên của cấp uỷ, chính quyền các cấp huyện Sìn Hồ, sự ủng hộ của người dân, hy vọng cây quế sẽ thực sự là “cây no ấm”, “cây làm giàu” của đồng bào các dân tộc các xã vùng thấp. Đồng thời, phát triển cây quế gắn với xây dựng các cơ sở chế biến sẽ tăng tính liên kết, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Tác giả: Nguyễn Tùng
Ý kiến bạn đọc