Vùng đất giàu tài nguyên
Ông Đặng Văn Châu - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích một cách thuyết phục đối với những tiềm năng thế mạnh của tỉnh ta. Đầu tiên là nguồn tài nguyên đất đai, bởi làm nông nghiệp thì phải có nguồn đất đai dồi dào mới có ý tưởng đầu tư. Đây là điều kiện mà Lai Châu chiếm ưu thế hơn hẳn so với các tỉnh miền xuôi. Lai Châu có nguồn đất đai rộng lớn với trên 90.000ha (bình quân 2,2ha/người), gấp 6 lần cả nước. Trong đó, diện tích đất trống chưa sử dụng là 240.000ha, đó còn chưa tính đến thời gian tới, đất nông nghiệp được mở rộng thêm do chuyển đổi sang trồng một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trên 20.000ha (chủ yếu là đất màu, đất nương rẫy kém hiệu quả).
Lai Châu cũng là vùng đất có tới 3 đới khí hậu rõ rệt: Đới khí hậu nóng, ẩm; mát, ẩm hay ôn đới đều xuất hiện bởi phân tầng các độ cao từ dưới 600m đến 1.000m so với mực nước biển. Những “ưu ái” này của thiên nhiên giúp Lai Châu có thể trồng được từ cây trồng nhiệt đới như: cao su, chè, mắc-ca cho đến các cây trồng ôn đới và nhiều loài cây dược liệu quý hiếm như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, đỗ trọng, đương quy, tam thất... Song, nổi bật vẫn là khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với hệ thống sông suối đa dạng phù hợp để trồng rau màu trái vụ, phát triển cây dược liệu. Ngoài ra, với trên 16.630ha mặt nước từ các lòng hồ thủy điện cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng theo hướng tập trung.
Xã Pắc Ta (huyện Tân Uyên) có nguồn đất đai, nguồn lao động dồi dào, là mảnh đất màu mỡ đối với các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Về hạ tầng giao thông, tính đến nay, hầu hết các trục đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh và các tuyến đường kết nối với các tỉnh trong khu vực và các thị trường lớn như vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) sẽ hoàn thành như: tuyến thành phố Lai Châu đi Sìn Hồ, Nậm Tăm, tuyến tỉnh lộ 127, Quốc lộ 32, Quốc lộ 12, đường nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, tuyến Ma Lù Thàng - Kim Bình - Vân Nam. Các tuyến giao thông này đã và đang chờ đón các nhà đầu tư đến với Lai Châu, việc thúc đẩy giao thương, đi lại không còn là trở ngại.
Chớp cơ hội, nắm thành công
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các quyết định định hướng phát triển nông nghiệp thông qua các đề án để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện đạt mục tiêu các đề án, tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể là 7 quyết định, nghị quyết về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, cây dược liệu, và chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, khuyến khích doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, cuối năm 2021, tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, mọi tiềm năng, thế mạnh của tỉnh được tăng cường quảng bá song song với ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án đầu tư, nhằm khai thác tiềm năng lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh khẳng định cam kết hỗ trợ, cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Lai Châu để có thể “đơm hoa kết trái” cho vùng đất này.
Ông Đặng Văn Châu thông tin: Sau khi Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp được tổ chức, đã có 13 công ty, doanh nghiệp, hiệp hội đã đi khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, một số nhà đầu tư đã lập chủ trương đầu tư và được tỉnh UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện như: Trồng rừng gỗ lớn bằng cây bản địa, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và bảo tồn phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; dự án phát triển nông, lâm nghiệp và dược liệu FOBIC tại huyện Tân Uyên; dự án phát triển cây mắc-ca; dự án phát triển cây quế kết hợp trồng cây gỗ lớn tại huyện Than Uyên... Một số nhà đầu tư đã bắt đầu liên kết với người dân tổ chức triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Công ty Đồng Giao, Ong Tam Đảo, Công ty Cổ phần Sao đỏ Tây Nguyên, Công ty Cổ phần Liên Việt Lai Châu…
Vùng chè ở Tam Đường cũng là "miền đất hứa" với các nhà đầu tư.
Có thể thấy, trong các địa phương của tỉnh, Tân Uyên được ví như mảnh đất “mật ngọt sinh sôi” khi có rất nhiều nhà đầu tư bén duyên. Ông Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định, mọi cơ hội tiếp cận của các nhà đầu tư luôn được huyện chắt chiu thu hút đến với Tân Uyên. Trong đó, việc đầu tiên là huyện thực hiện cải cách tối đa các thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hướng dẫn thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, thuê đất, thẩm định và chấp thuận địa điểm đối với các dự án đầu tư vào địa bàn huyện.
Thực hiện lồng ghép, linh hoạt các chính sách hỗ trợ để giúp các doanhh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng. Cam kết và đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khi đầu tư được hỗ trợ đúng, đủ theo chính sách hiện hành. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm đối với những nông sản có thế mạnh của vùng. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác. Đến nay, Tân Uyên dẫn đầu toàn tỉnh trong thu hút doanh nghiệp đến đầu tư với 12 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Kết quả về công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ không dừng lại bởi hiện tại, tất cả những gì tỉnh và các địa phương đang nỗ lực thực hiện là chung một mục đích như “trải thảm” cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nhiệm vụ như: đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các danh mục dự án kêu gọi đầu tư, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính của tỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát, điều tra, đánh giá tiềm năng, thế mạnh để kịp thời bổ sung, cập nhật thông tin các dự án mới; bám sát, đồng hành cùng các nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn (nếu có) để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh được thuận lợi. Thành lập nhóm hỗ trợ các nhà đầu tư do đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh làm tổ trưởng và thành viên gồm các đồng chí giám đốc các sở, ngành và lãnh đạo các phòng chuyên môn có liên quan.
Tỉnh chủ trì, phối hợp cùng UBND các huyện, thành phố lập danh mục các dự án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp để kêu gọi, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Sát cánh cùng với tỉnh và người nông dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn gắn với đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến, áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, tạo sản phẩm hàng hóa. Mục đích đầu tiên, cũng là cuối cùng: Đưa "cánh diều" nông nghiệp Lai Châu cất cánh lên cao mãi.
Nguồn: Thu Trang/www.baolaichau.gov.vn
Cập nhật: 20h52, ngày 22/6/2022
Ý kiến bạn đọc