Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng chủ trì dự Phiên họp cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có tác động đến mọi cơ quan, đơn vị và địa phương. Phiên họp lần này để đánh giá những việc đã triển khai từ sau Phiên họp thứ nhất cho đến nay, những việc đã làm được, những việc chưa làm được để từ đó có sự vào cuộc một cách mạnh mẽ nhất.
Báo cáo tình hình triển khai chuyển đổi số quý I cho thấy, theo kế hoạch hoạt động của Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương được giao 14 nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện. Về thể chế số, đã có 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 54/63 địa phương đã ban hành các văn bản về chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 58/63 địa phương đã ban hành chương trình (kế hoạch, đề án) chuyển đổi số giai đoạn 5 năm…
Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu.
Phiên họp cũng đánh giá việc thực hiện Chính phủ số, đến nay mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Về kinh tế số, ước tính tổng doanh thu kinh tế số quý I/2022 khoảng 53 tỷ USD, đóng góp khoảng 10,2% GDP, trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, năm 2022 sẽ lấy người dân làm trung tâm. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn định hướng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam để hướng tới phát triển một xã hội số; xã hội số phát triển cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển Chính phủ số, kinh tế số.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.
Đối với tỉnh Lai Châu, tỉnh đã ban hành kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lai Châu để định hướng trong công tác xây dựng chính quyền điện tử. Về hạ tầng số, tỉnh đã đầu tư mạng viễn thông dùng riêng (Mạng truyền số liệu chuyên dùng) kết nối tới 95% các sở, ban, ngành tỉnh; 100% UBND huyện, thành phố; 100% UBND xã, phường, thị trấn. Hệ thống họp trực tuyến được triển khai liên thông 03 cấp từ UBND tỉnh đến UBND xã, phường, thị trấn với 132 điểm cầu. Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và địa phương như: Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức do Sở Nội vụ xây dựng; Cơ sở dữ liệu về công tác dân tộc do Ban Dân tộc triển khai, thực hiện; Cơ sở dữ liệu đất đai huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng và vận hành…
Thảo luận tại Phiên họp, đại biểu đã tập trung vào những kết quả thực hiện trong quý I và bàn giải pháp thực hiện trong quý II và thời gian tiếp theo, nhất là những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu kết luận Phiên họp.
Phát biểu kết luận tại Phiên họp, nhấn mạnh việc cần phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số, người dân, doanh nghiệp cũng phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu tại Phiên họp. Đây là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cùng rút kinh nghiệm và có hướng để thực hiện một cách đúng, trúng và có trọng tâm trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề; chúng ta phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam. Chuyển đổi số gắn với sự phát triển, sự phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Đồng chí đề nghị các đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ sẽ có văn bản chỉ đạo thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế. Về cơ sở dữ liệu, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cần chọn những nội dung thích đáng, trọng tâm, cơ bản để ưu tiên thực hiện, tránh dàn trải, cụ thể, thực chất, có sức lan tỏa, làm việc nào dứt việc đó, quyết tâm thực hiện một cách hiệu quả. Cần rà soát lại thể chế vì đây là 1 trong 3 đột phá việc cụ thể hoá thể chế; bổ sung, hoàn thiện thể chế phải có hạ tầng công nghệ, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển công nghệ số, ứng dụng công nghệ số; phải huy động được nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, huy động sự đóng góp của người dân. Vấn đề đưa ra là phải quản trị như thế nào để chuyển đổi số vừa hiện đại, vừa phù hợp tình hình, nền kinh tế, năng lực; đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Nguồn: Nguyễn Chanh/www.laichau.gov.vn
Cập nhật: 11h46, ngày 27/4/2022
Ý kiến bạn đọc