Dự Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu có đồng chí Nguyễn Đình Hùng - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Lai Châu…
Trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt trong chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương hoàn thiện việc ban hành văn bản, đẩy nhanh giao kế hoạch vốn, giải ngân, tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay đã có 52/52 địa phương ban hành quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó, có 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao và 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao.
Đến nay, cả nước có 5.854/8.225 xã chiếm 71,2% xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 12 xã so với tháng 8 năm 2022. Có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 39,6% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 ước tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.
Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã tập trung thảo luận nêu những khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo thẩm quyền của các bộ, cơ quan Trung ương còn chậm so với tiến độ được giao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện một số nội dung, hoạt động thuộc các Chương trình; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của các bộ, ngành liên quan và địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia 9 tháng đầu năm 2022. Để tập trung phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội, Chính phủ giao, nhất là mục tiêu phấn đấu năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các bộ, ngành liên quan ở Trung ương tập trung hoàn thành việc ban hành một số văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện nội dung, dự án thành phần trong các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương; các cơ quan chủ quản Chương trình tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước còn lại chưa phân bổ của giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại các cấp. Từ đó, góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các bộ, ngành rà soát lại những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thẩm quyền quy định trong Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế, quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguồn: Thu Hoài/https://laichau.gov.vn/
Cập nhật 19h15 ngày 18/10/2022
Tác giả: Quản trị
Ý kiến bạn đọc