Tại Việt Nam, theo lộ trình được nhóm chuyên gia của NIC và UNDP chia sẻ, việc xây dựng PSII dự kiến thực hiện theo 7 bước, trong đó: bước 1 là xây dựng khung khái niệm và hệ thống chỉ tiêu; bước 2 là tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học.
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC chia sẻ, đổi mới sáng tạo về cơ bản là một quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, quy trình,… để mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội. Đổi mới sáng tạo mang đến những tác động hiệu quả hơn như đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế; 91% đối với nền kinh tế xanh; 87% với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội;…
Tuy nhiên lại có sự khác biệt lớn về đổi mới sáng tạo giữa khu vực công và khu vực tư ở tất cả các quốc gia. Cụ thể, theo ông Võ Xuân Hoài, khu vực công hoạt động theo logic chính trị và tiến hành các hoạt động được tài trợ từ ngân sách (thuế) nhằm tạo ra hàng hóa công được xác định về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của công dân. Các động lực chính của đổi mới sáng tạo trong khu vực công là sự lan tỏa phi lợi nhuận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp hoạt động theo logic thị trường, đổi mới sáng tạo là nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh và tạo lợi nhuận.
Tại Việt Nam, nhiều cơ chế, chính sách lớn đã được ban hành để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo trong khu vực công, trong đó có Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Luật Đầu tư năm 2020; Nghị định số 94/2020/ NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia; Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”;…
Nhiều chuyên gia tham dự Hội thảo cũng cho rằng, việc đổi mới sáng tạo ở cả khu vực tư và khu vực công là cần thiết khi đổi mới sáng tạo sẽ tạo cơ hội để khu vực công dẫn dắt, định hướng khu vực tư phát triển và gia tăng sự đóng góp vào nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia NIC và UNDP, nhiều quốc gia trên thế giới như châu Âu, Xinh-ga-po, Hàn Quốc,… đã xây dựng Khung PSII riêng. Trên cơ sở, NIC và UNDP đã đề xuất khung khái niệm PSII cho Việt Nam với 04 mục đính chính: cung cấp cái nhìn tổng quan trọng việc hình thành khái niệm và đo lường đổi mới sáng tạo trong khu vực công; đo lường năng lực đổi mới sáng tạo tổ chức công lập trong khu vực công; giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu được các mức độ đổi mới và động lực khác nhau trong các bộ phận khác nhau của cơ quan, tổ chức khu vực công; làm căn cứ giúp cơ quan, tổ chức có giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công.
Chỉ số chính của PSII tại Việt Nam sẽ được bao gồm 4 chỉ số thành phần gồm đầu vào đổi mới sáng tạo (chính sách, tài chính,…); năng lực đổi mới sáng tạo (đặc điểm người lãnh đạo, văn hóa tổ chức,…); hoạt động, quy trình đổi mới sáng tạo (tiếp cận ý tưởng mới, hợp tác, lan tỏa,…) và đầu ra đổi mới sáng tạo (tính mới, hiệu quả thực tiễn…).
Tại Hội thảo, các chuyên gia tham dự đã có các tham luận và đề xuất đối với việc xây dựng Khung PSII cho Việt Nam, đánh giá rằng việc xây dựng một bộ chỉ số sáng tạo là vô cùng cần thiết nhằm tạo ra sự đột phá thúc đẩy khu vực tư nhân và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tích cực thay đổi khu vực công. Các chuyên gia cũng nhận xét rằng, xây dựng bộ chỉ số là một việc khó và mới, hiện còn nhiều địa phương chưa thúc đẩy đổi mới sáng tạo nên để xây dựng bộ chỉ số khả thi và phát huy hiệu quả thì cần có sự phát triển đồng đều để phát huy được hết giá trị trong quá trình thực hiện trong thực tế./.
Nguồn: Bảo Linh/www.mpi.gov.vn/
Cập nhật 11h21' ngày 03/8/2022
Ý kiến bạn đọc