Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện thể chế chính sách, quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và 14 tỉnh vùng Tây Bắc; đại diện các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh cùng 500 đại biểu là các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, nhà khoa học trong cả nước đến dự.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tính đến nay, 3 Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc đã được tổ chức và ngày càng cho thấy sự quan tâm lớn của các ngành, các cấp, các địa phương đối với sự phát triển của vùng.
Tuy nhiên, điều quan trọng sau Hội nghị này là các nhà doanh nghiệp, nhà tài trợ trong và ngoài nước cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu thêm về Tây Bắc. Trên cơ sở đó, phát huy khả năng về vốn, công nghệ, thị trường để hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất kinh doanh vì lợi ích lâu dài của doanh nghiệp cũng như nhân dân trong vùng.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện thể chế chính sách, quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Qua đó, tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là đào tạo lao động, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nghiên cứu đưa một số giống mới có hiệu quả kinh tế cao, đẩy mạnh liên kết phát triển, liên kết hạ tầng, liên kết ngành, liên kết vùng...
Các tỉnh trong vùng cần quan tâm xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, đào tạo lao động và xây dựng nông thôn mới gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc và củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, kết hợp với phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả về kinh tế đến đồng bào các dân tộc trong vùng học tập, vươn lên thoát nghèo, xây dựng quê hương giàu truyền thống cách mạng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Phó Thủ tướng hoan nghênh sự ra mắt của Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc và đề nghị Hiệp hội có hình thức hoạt động thiết thực, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, là cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của Tây Bắc trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, trong quá trình phát triển của vùng, tuy các chính sách của Nhà nước đã phủ kín nhằm thu hút nguồn lực cho Tây Bắc nhưng quá trình tổ chức thực hiện vẫn là hạn chế của các địa phương trong vùng. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở khu vực này vẫn còn thấp so với cả nước. Việc liên kết vùng, liên kết các tỉnh đã có nhưng chưa hình thành thiết chế bảo đảm cho sự phát triển vững chắc.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng trong vùng chưa có dự án động lực để thúc đẩy và thu hút các tập đoàn lớn như ở Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên. Nếu có các dự án lớn sẽ làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt KT-XH địa phương đó, nhất là xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và các dịch vụ liên quan.
Nhìn tổng thể, Tây Bắc đã có những quy hoạch phù hợp làm cơ sở cho phát triển của vùng. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Trung, cần tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ thay vì xúc tiến đầu tư tại nước ngoài, trong đó chú trọng những cam kết và hành động quyết liệt của các tỉnh trên các mặt nhất là cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện hàng đầu để thu hút đầu tư vào khu vực.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, cần có cách nhìn và tầm nhìn mới đối với phát triển KT-XH Tây Bắc như khoảng cách địa lý, điều kiện tự nhiên và con người.
Về phía mình, ngành Ngân hàng đã bám sát của chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển Tây Bắc. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư 2013, các ngân hàng thương mại đã cam kết hỗ trợ hơn 20.000 tỷ đồng cho các dự án đầu tư trên địa bàn, đến cuối năm 2014 đã giải ngân được hơn 5.000 tỷ đồng.
Qua kiểm tra hoạt động của các ngân hàng trong hỗ trợ các hộ nghèo cho thấy các ngân hàng đã thực hiện tốt vai trò của mình, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho các hộ nghèo, cận nghèo vay hơn 126.000 tỷ đồng (tương đương hơn 6 tỷ USD).
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển KT-XH của người dân và doanh nghiệp trong vùng; phối hợp với các tỉnh và các bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn viện trợ phát triển (ODA), góp phần đưa Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường kinh doanh trong khu vực. Theo thống kê, đầu tư từ trong nước và nước ngoài đối với khu vực này còn nhiều hạn chế. Nhưng Tây Bắc có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nhiều đặc sản riêng; có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù. Nếu chúng ta biết khai thác sẽ đem lại hiệu quả lớn không chỉ cho các doanh nghiệp đầu tư mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của vùng.
*Cũng trong dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã chứng kiến các lễ ký kết cung ứng tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và các nhà đầu tư; lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các tỉnh với doanh nghiệp và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.
Tác giả: Lê Sơn
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc