Tại cuộc họp báo công bố số liệu 6 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 đã đạt được những kết quả khả quan: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp và an toàn.
Đặc biệt, GDP quý II tiếp tục tăng cao hơn quý I, đạt 6,44% và 6 tháng đầu năm ước đạt 6,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước.
Với mức tăng trưởng này, mục tiêu tăng GDP lên 6,2% năm 2015 là hoàn toàn khả thi, thậm chí còn vượt.
“Mức tăng trưởng 6,28% đạt được trong bối cảnh lạm phát thấp. Trước đây kinh tế phải có lạm phát mới tăng trưởng, nói cách khác là lạm phát “kéo” tăng trưởng. Nhưng quy luật này đã bị phá vỡ trong 6 tháng đầu năm nay, tang trưởng vẫn cao dù lạm phát thấp. Đó là điểm sang của nền kinh tế” – lãnh đạo Tổng cục Thống kê lạc quan.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,73%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,45%; khu vực dịch vụ chiếm 39,61%.
Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia cho biết, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của năm nay chủ yếu là ngành công nghiệp, khai khoáng; khai thác dầu thô và than đá; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; thương mại; tài chính ngân hàng; kinh doanh bất động sản.
Còn khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp đạt mức tăng cao nhất với 8,07% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp tăng thấp ở mức 1,90%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,30%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.
Biểu đồ: GDP 6 tháng đầu năm 2015 so với các năm trước
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, so với tháng trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Sáu tăng 19,6%; số vốn đăng ký tăng 10,9%; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp giảm 7,2%. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng tăng 53,6%; số vốn đăng ký tăng 10%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 1,4%; số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động tăng 19,9%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động tăng 29,8%.
So với 6 tháng năm 2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay tăng 21,7% về số doanh nghiệp và tăng 22,3% về số vốn đăng ký; số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới tăng 0,5%; số lao động dự kiến được tạo việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới tăng 20,4%.
So với 6 tháng năm 2014, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 6 tháng đầu năm nay giảm 0,9%; số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động giảm 5,8%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng 2,2%.
Kết quả điều tra từ gần 4.000 doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 40,5% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II khả quan hơn quý I; có 49,4% số doanh nghiệp cho rằng, xu hướng quý III so với quý II sẽ tốt lên.
“Điều này cho thấy, mặc dù còn khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển trong năm 2015 và các năm tiếp theo”.
Thời gian tới cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp; tìm đầu ra cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thủy sản; duy trì và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện. Ngành công nghiệp cần có chính sách và kế hoạch linh hoạt đẩy mạnh công nghiệp khai thác.
Trước đó, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Bùi Quang Vinh cho rằng, năm 2015 có 3 thách thức chính gồm: nông nghiệp đang giảm mạnh, năm 2014 đóng góp vào tăng trưởng GDP 3,4%; còn 6 tháng đầu năm nay nông nghiệp chỉ đóng góp tăng trưởng được 2,17%. Hạn hán ở miền Trung làm cho bà con không sản xuất được, thủy hải sản không xuất khẩu được, dịch bệnh xảy ra nhiều..., nên ảnh hưởng đến sản xuất.
Vấn đề thứ hai là xuất nhập khẩu, ba năm liên tục vừa qua ta xuất siêu. Tuy nhiên, bước vào 6 tháng đầu năm 2015, chúng ta bắt đầu nhập siêu, cho đến nay nhập siêu đến 4,7 %, trong khi chỉ tiêu Quốc hội duyệt chỉ 5%. Đây là một thách thức lớn. Nhập siêu sẽ làm mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ. Để giải quyết được vấn đề này cần thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu.
Thứ ba, cần quyết liệt đấu tranh với buôn lậu hàng giả, hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tác giả: An Nhi
Nguồn tin: www.kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc