Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự họp tổ 4 cùng với các tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Vĩnh Long và Hà Tĩnh.
Tại buổi thảo luận ở tổ, hầu hết các ý kiến cho rằng kinh tế xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 đạt kết quả tốt, GDP năm 2014 đạt 5,98% vượt mục tiêu đề ra và cao nhất từ năm 2011 đến nay, tỷ số giá tiêu dùng thấp nhất trong những năm qua (1,84%), kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân thương mại đều tăng, đại biểu Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, năm 2014 kinh tế xã hội của đất nước có sự phát triển toàn diện, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước trong năm 2015. Trong những tháng đầu năm 2015 tình hình kinh tế của đất nước có bước tăng trưởng rất phấn khởi, đạt được kết quả như vậy là do công tác cải cách thể chế được đẩy mạnh, môi trường kinh doanh được cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên nền kinh tế cũng bộc lộ nhiều khó khăn, tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp sụt giảm do là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản như gạo, cao su giảm mạnh, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các nước đẩy mạnh xuất khẩu tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt trong xuất khẩu; lĩnh vực dịch vụ giảm hơn so với năm 2014 thể hiện qua việc giảm số lượng khách du lịch đến Việt Nam, doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động còn nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị thời gian tới Chính phủ cần có giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tìm ra nguyên nhân và có giải pháp thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, tiếp tục có chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng, ngoài những kết quả đạt được, trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ còn có những hạn chế như nợ xấu cao nhưng chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết, bội chi ngân sách năm 2014 lớn, chi đầu tư phát triển thấp, còn nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề về chủ quyền trên biển Đông, đại biểu kiến nghị cần đầy mạnh cải cách hành chính, huy động mọi nguồn lực tái đầu tư cho nền kinh tế, sớm có cơ chế giải quyết các vấn đề về thị trường xuất khẩu khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại song phương, đa phương, chú trọng bảo hộ hàng hóa trong nước, tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia để chủ động ứng phó với những tình huống lớn của quốc gia như giải quyết nợ xấu, tăng các quỹ tài chính quốc gia.
Đồng tình với các đại biểu khác, đại biểu Giàng Páo Mỷ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế của đất nước, nhất là các chính sách tháo gỡ khó khăn trong cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chú trọng hơn nữa đầu tư phát triển các vùng kinh tế còn nghèo, có điều kiện lợi thế kinh doanh thấp như vùng Tây Bắc để rút ngắn khoảng cách kinh tế vùng miền, tập trung chỉ đạo mạnh mẽ, ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực nhiều hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong đó có chính sách hỗ trợ nhân dân góp đất trồng cao su gắn với phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát. Mặt khác, Chính phủ cần có giải pháp đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết sản xuất, giải quyết vấn đề đầu ra cho thị trường hàng hóa nông nghiệp; đối với lĩnh vực lâm nghiệp đề nghị tăng vốn đầu tư bảo vệ phát triển rừng cho các địa phương nơi đầu nguồn các dự án thủy điện, trong đó có việc nâng suất đầu tư trồng rừng, sửa đổi một số cơ chế, chính sách cho phù hợp để động viên, khuyến khích nhân dân phát triển rừng, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc.
Cũng trong thảo luận, đại biểu các tỉnh còn đề nghị Chính phủ xem xét lại cách thức tiếp nhận vốn ODA để khi tiếp cận nguồn vốn này sử dụng hiệu quả, tạo giá trị tăng thêm cho nền kinh tế; có giải pháp để hạn chế tối đa tình trạng nhập siêu trong trước mắt cũng như lâu dài.
Tác giả: Minh Hiệp
Nguồn tin: www.baolaichau.vn
Ý kiến bạn đọc