Chiều 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội với dự án Luật tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Theo ông Phùng Quốc Hiển, dự thảo Luật phải làm rõ ngân sách Nhà nước (NSNN) đã thống nhất, có phân cấp quản lý và bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTƯ) gắn với nhiệm vụ chi quốc gia.
Do vậy, Ủy ban Tài chính-Ngân sách ủng hộ phương án quy định các khoản thu NSTƯ hưởng 100% bao gồm các khoản thu như dự thảo quy định và các nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và quy định rõ hơn các hoa lợi gắn với tài sản thuộc sở hữu Nhà nước do cơ quan Trung ương quản lý cũng thuộc khoản thu này.
Ông Phùng Quốc Hiển cho biết, phương án trên là hợp lý và khả thi hơn vì mặc dù theo quy định của Luật, NSTƯ giữ vai trò chủ đạo, nhưng trên thực tế hiện nay, vai trò này đang bị giảm sút do nguồn thu của NSTƯ hạn chế trong khi nhiệm vụ chi ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu việc đại biểu Quốc hội của một số địa phương thực hiện nhiệm vụ xuất nhập khẩu chính như Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh... cho rằng số thu thuế này trên địa bàn lớn, địa phương phải chi rất nhiều khoản bảo đảm an ninh, đường sá cho xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng nguồn thu phải nộp về Trung ương là bất hợp lý.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính cũng không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách khi đề nghị thu NSTƯ được hưởng theo phân cấp chiếm bình quân khoảng 66-70% tổng thu NSNN, nếu tính cả bội chi NSNN chiếm khoảng 70-75% tổng nguồn thu NSNN, thu ngân sách địa phương theo phân cấp (chưa kể số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ cho ngân sách địa phương) chiếm bình quân khoảng 25-30% tổng nguồn NSNN, do vậy, NSTƯ đã chiếm vai trò chủ đạo nên không cần phải thu về 100% thuế xuất nhập khẩu.
Giải thích thêm về nội dung này, ông Phùng Quốc Hiển cho biết thu thuế xuất nhập khẩu và thuế tiêu thụ hàng hóa về NSTƯ là thông lệ của thế giới. Các địa phương thay mặt quốc gia thu thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu không có nghĩa là địa phương tạo ra giá trị hàng hóa đó để được hưởng. Nếu địa phương thiếu ngân sách để thực hiện thì đã có cơ chế phân cấp quản lý. Ngoài ra, dự án luật cũng nên bỏ quy định thưởng vượt thu thuế vì thu là phải theo pháp luật. “Ngân sách địa phương là phải phụ thuộc NSTƯ chứ không là có cát cứ về tài chính ngay”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, cho rằng đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Tài chính-Ngân sách vẫn đưa ra hai phương án để các đại biểu Quốc hội quyết định.
Đó là về các khoản thu, còn về chi, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị NSTƯ chi cho các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại, khoa học-công nghệ, chi đầu tư cơ sở hạ tầng có tính liên kết vùng về giao thông, thủy lợi...
Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng cần quy định như Phương án 2 vì theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý kinh tế-xã hội, Trung ương và địa phương cùng chịu trách nhiệm thực hiện một số nhiệm vụ, không có nhiệm vụ nào mà Trung ương chịu trách nhiệm 100% và cũng như vậy đối với chính quyền địa phương. Do đó, không xác định rõ trách nhiệm của các cấp đối với các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia như quốc phòng-an ninh, đối ngoại, khoa học-công nghệ.
Vì vậy, để tăng cường phân cấp ngân sách và phát huy vai trò của NSTƯ, tránh trùng lặp, lãng phí trong một số khoản chi, cần quy định NSTƯ bảo đảm các khoản chi quan trọng, đồng thời, bổ sung quy định Quốc hội quyết định phân bổ đến nội dung nhiệm vụ chi cụ thể, đơn vị sử dụng ngân sách để có thể kiểm soát và quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng: Nếu quy định NSTƯ chi cho các nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại, khoa học-công nghệ thì sẽ mâu thuẫn với các luật chuyên ngành về phân cấp quản lý kinh tế-xã hội hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như Dự thảo.
Tác giả: Thành Chung
Nguồn tin: www.chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc