Sở Kế hoạch và Đầu tưhttps://sokhdt.laichau.gov.vn/uploads/headerlogoskhdt.png
Chủ nhật - 16/11/2014 22:177460
Sáng ngày 07/11/2014, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Giải pháp tái cơ cấu đầu tư công trong khuôn khổ đổi mới mô hình tăng trưởng”.
Nội dung của Hội thảo nhằm thảo luận, phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả đầu tư công gắn với quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Quang Thái, đầu tư công đã từng bước được đưa vào khuôn khổ nề nếp hơn, sắp trong tầm nhìn trung hạn, có cân đối. Hiệu quả đầu tư nói chung đã dần được cải thiện, việc triển khai nguồn vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn đã bước đầu phân bổ vốn nhà nước một cách tập trung, hiệu quả hơn. Tỷ trọng tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP bình quân giai đoạn 2011-2013 thấp hơn so với giai đoạn 2006-2010… Thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, từ năm 2011-2014, nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ; Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 10/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương; Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ… Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công điều này bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và bao quát toàn bộ quá trình đầu tư công nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lập kế hoạch đầu tư sang kế hoạch đầu tư trung hạn. Với một số giải pháp quan trọng đã được triển khai quyết liệt là việc cắt giảm, giãn, hoãn tiến độ các dự án công để hạn chế khởi công các dự án mới, tập trung vốn cho các dự án đang chuyển tiếp, đang triển khai dở dang. Kết quả đạt được là số dự án khởi công mới được kiểm soát chặt chẽ, tập trung vốn kế hoạch hàng năm cho các dự án có hiệu quả đang thực hiện dở dang. Theo Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính, dư nợ công/GDP của Việt Nam trong thời gian qua tăng khá nhanh. Cụ thể, tổng số nợ công năm 2011 của Việt Nam bằng 50% GDP, năm 2012 bằng 50,8% GDP, năm 2013 bằng 54,2% GDP, dự kiến năm 2014 khoảng 60,3% GDP. Nợ Chính phủ hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đến là nợ được bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Theo Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đánh giá dự án đầu tư công là khâu quan trọng, nhằm đảm bảo dự án đầu tư công phù hợp với kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Về thẩm định dự án đầu tư được thực hiện khách quan, toàn diện đảm bảo tính khả thi, bền vững của dự án. Giám sát dự án đầu tư là hoạt động theo dõi thường xuyên và được kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất đảm bảo mục tiêu và hiệu quả của dự án. Trong số 34.000-36.000 dự án đầu tư công đang thực hiện, chỉ có khoảng 60% số chủ đầu tư có thực hiện báo cáo giám sát theo quy định, 40% số dự án dùng vốn của Nhà nước nhưng không thực hiện báo cáo giám sát. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thẩm định, giám sát, đánh giá đầu tư còn chồng chéo và thường xuyên thay đổi. Chất lượng công tác thẩm định chưa cao, nhiều dự án đầu tư phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện, trong đó, nhiều dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn và kéo dài thời gian thực làm giảm hiệu quả đầu tư. Do vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư công nói chung cũng như liên quan đến công tác thẩm định, giám sát, đánh giá đầu tư công. Hiện Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng sửa đổi liên quan mật thiết đến công tác thẩm định và giám sát, đánh giá đầu tư công. Trong đó, Luật Đầu tư công quy định chung về quy trình thực hiện 1 dự án đầu tư công, bao gồm các bước từ chuẩn bị chủ trương đầu tư đến bước lập dự án đầu tư, kế hoạch đầu tư công và đánh giá, giám sát kế hoạch chương trình đầu tư công./.