Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến sẽ được thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Việc sửa đổi Luật này với kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích trong việc tạo thuận lợi trong thành lập và quản trị doanh nghiệp, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. |
Luật Doanh nghiệp 2005 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy huy động vốn, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; góp phần gia tăng tốc độ tăng trưởng và giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Doanh nghiệp trong gần 10 năm qua đã gặp phải không ít vướng mắc, hạn chế đối với hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh nói chung và phát triển doanh nghiệp nói riêng. Quan điểm sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005 đã được xác định là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư; qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Nội dung Dự án Luật quan trọng này được xây dựng theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa nguyên tắc Hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân trong các ngành, nghề mà luật không cấm; tạo bước đột phá mới về cải cách thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát huy nội lực trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Chiều ngày 10/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII các đại biểu đã thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Các nội dung được tập trung thảo luận liên quan đến ngành, nghề và điều kiện kinh doanh; tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các quy định về đăng ký thành lập doanh nghiệp. Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định những nguyên tắc pháp lý về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, được áp dụng chung cho tất cả loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, một số luật chuyên ngành cần có những quy định riêng áp dụng cụ thể cho lĩnh vực đặc thù đó. Dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) được xây dựng theo nguyên tắc cao nhất của quyền tự do kinh doanh là doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, tiếp tục mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, tháo gỡ rào cản trong thành lập doanh nghiệp, tạo sự thông thoáng trong việc thu hút vốn của các thành phần kinh tế. Để phát huy được hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý doanh nghiệp cần phải luật hóa các quy định công tác hậu kiểm, quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để có cơ chế tốt trong công tác hậu kiểm. Một điểm quan trọng trong Dự thảo Luật này là chuyển chế định ngành, nghề cấm kinh doanh, đầu tư và ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện từ Luật doanh nghiệp sang Luật đầu tư để bảo đảm tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh, để những nội dung này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà cho tất cả các chủ thể kinh doanh khác. Đây là một điều chỉnh có tính chất đột phá. Về sự cần thiết của sửa đổi, có ý kiến đại biểu cho rằng, việc sửa đổi Luật lần này nhằm tạo điều kiện sửa đổi một số bất cập trong Luật doanh nghiệp thời gian vừa qua và đáp ứng được nhu cầu để đột phá trọng tâm một số chỉ tiêu về tái cơ cấu doanh nghiệp. Dự thảo Luật này có định hướng mở, quy định rõ hơn về nội dung và số lượng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc quản lý, sử dụng con dấu của doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế./. |
|
|
|
Tác giả: Tùng Linh
Nguồn tin: www.mpi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc