Thủ tướng chỉ thị tăng cường thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước

Thứ ba - 21/04/2015 22:42 195 0
(Chinhphu.vn) - Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhằm chủ động ứng phó với việc giảm thu ngân sách do giá dầu giảm, đảm bảo sự chủ động trong điều hành nhiệm vụ thu, chi trong tình hình mới và giữ vững cân đối NSNN năm 2015 theo dự toán đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015, số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung sức tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,2% đã đề ra, tạo tiền đề phát triển nguồn thu ổn định, vững chắc cho NSNN.

Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014 - 2015 đúng thời hạn đặt ra. Tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn vốn nhà nước theo các quy định của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá dầu thô, chủ động làm việc với các đối tác liên doanh, các nhà điều hành khai thác rà soát lại chi phí sản xuất ở các mỏ, nhằm tối ưu hóa chương trình khai thác dầu khí một cách hiệu quả; kịp thời có giải pháp ứng phó với những biến động xấu nhất của giá dầu trong từng thời điểm của năm 2015, đảm bảo nguyên tắc có lãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Triển khai có hiệu quả việc mua dự trữ dầu thô để đảm bảo an ninh năng lượng và hiệu quả đầu tư.

Bộ Tài chính thực hiện nhất quán chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước đối với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, dịch vụ công,...) theo lộ trình với mức độ và thời gian điều chỉnh phù hợp để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà nước. Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả và chất lượng hàng hóa, nhất là giá cả các mặt hàng liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: Sữa cho trẻ em, giá cước vận tải,...

Tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu từ nội địa và xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 Quốc hội đã quyết định. 

Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình kinh tế và giá dầu thô. Trên cơ sở đó, thực hiện điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng, dầu nhập khẩu ở mức phù hợp, trong khung thuế suất đã quy định để tăng thu cho NSNN. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế.    

Đồng thời tăng cường phối hợp giữa cơ quan thu, cơ quan tài chính và các lực lượng chức năng trong công tác quản lý thu NSNN, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Trong đó, tập trung rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.

Bên cạnh đó đẩy mạnh việc xử lý, thu hồi để giảm nợ đọng thuế; tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình chây ỳ, chậm thanh toán nợ thuế; định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của Nhà nước.

Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo.

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ NSNN. 

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ NSNN. 

Trong đó chủ động rà soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị; tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,…

Thực hiện nghiêm quy định không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.

Tạm giữ lại tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các đơn vị sử dụng ngân sách, không bao gồm các khoản: Chi tiền lương, phụ cấp theo lương, chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm chi 10% để tạo nguồn cải cách tiền lương theo dự toán giao đầu năm; chi đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc tạm giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên nêu trên. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi trong dự toán được giao, xác định cụ thể số kinh phí tạm giữ, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2015.

Đảm bảo cân đối ngân sách các cấp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh, như phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh...; 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại tạm giữ lại để chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (mua sắm, sửa chữa....). Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương.

Các địa phương chủ động đề ra các giải pháp nhằm hoàn thành và vượt dự toán thu NSNN năm 2015 để đảm bảo dự toán chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với số thu tiền sử dụng đất, trường hợp giảm thu so với dự toán, đồng thời ngân sách địa phương cũng bị giảm thu tổng thể thì thực hiện cắt giảm, hoặc giãn tiến độ thực hiện của công trình, dự án được bố trí chi từ nguồn thu này.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại nêu trên (gồm: 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách, 50% dự phòng ngân sách các cấp) được căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

Đối với các nguồn kinh phí tạm giữ lại của ngân sách trung ương, trường hợp dự kiến thu ngân sách trung ương năm 2015 đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.

Trường hợp dự kiến thu ngân sách trung ương năm 2015 không đạt dự toán, căn cứ vào mức hụt thu cụ thể, sẽ cắt giảm các nguồn kinh phí tạm giữ lại cho đến khi bù đắp được số giảm thu, theo trật tự: 50% dự phòng ngân sách trung ương, 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm.

Đối với các nguồn kinh phí tạm giữ lại của ngân sách địa phương, trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) đạt dự toán, các nguồn kinh phí tạm giữ lại tiếp tục được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán đầu năm và đáp ứng các nhu cầu chi cấp thiết phát sinh theo quy định.

Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán: các nguồn kinh phí tạm giữ lại được sử dụng để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; nếu vẫn còn thiếu nguồn thì sử dụng thêm nguồn lực tài chính của địa phương (một phần quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, kết dư ngân sách địa phương năm 2014...); kết hợp với rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi theo thứ tự ưu tiên, cắt giảm hoặc giãn thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết,... để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương. Ngân sách trung ương đảm bảo đủ 100% nhu cầu kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương theo chế độ; đồng thời, xem xét tạm ứng nguồn đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong một số trường hợp cần thiết.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đến tháng 8/2015, trên cơ sở diễn biến tình hình kinh tế - ngân sách nhà nước và dự báo giá dầu thô cả năm, tính toán tác động của việc giá dầu giảm đến ngân sách nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng các nguồn kinh phí tạm giữ lại trong quá trình điều hành NSNN năm 2015 nêu trên. 

 

Tác giả: Phan Hiển

Nguồn tin: www.chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 664 | lượt tải:3214

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 770 | lượt tải:333

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2502 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2015 | lượt tải:267

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2220 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay15,828
  • Tháng hiện tại346,519
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,758,947
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down