Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại thông báo kết luận sơ kết 2 năm về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Qua 2 năm thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP đạt 3,49%, vượt mục tiêu đề ra là 3,27% và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù có nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra, nhưng ước tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,36%, giá trị sản xuất toàn ngành ước tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.
Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn có hạn chế là một số địa phương và nhiều doanh nghiệp, người dân còn thờ ơ với việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện tiêu chí đánh giá và giám sát thực hiện tái cơ cấu để các địa phương làm căn cứ, định kỳ đánh giá, báo cáo sơ kết kết quả thực hiện.
Đối với 16 tỉnh, thành phố triển khai chậm tái cơ cấu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải khẩn trương hoàn thành phê duyệt đề án, kế hoạch chương trình thực hiện tái cơ cấu trong Quý IV/2015.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp cần tránh cách làm dàn trải, trước hết lựa chọn, tập trung vào một số sản phẩm có thế mạnh, có thị trường, có nhà đầu tư. Trên cơ sở các đề án, các địa phương cần giới thiệu, xúc tiến kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, liên kết với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện; khuyến khích doanh nghiệp thuê đất, chuyển nhượng đất của nông dân để tổ chức sản xuất quy mô lớn. Rà soát cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp.
Đồng thời quan tâm phát triển thương hiệu sản phẩm, xây dựng mối liên kết, khai thác tiềm năng lớn của doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, của doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó tăng cường hợp tác quốc tế, đối thoại cấp cao với các nước, với doanh nghiệp để tháo gỡ các rào cản thương mại, mở rộng thị trường, tiếp thu khoa học công nghệ, vốn đầu tư, mô hình quản lý, liên kết chuỗi sản phẩm, cách làm thương hiệu của các doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, của các cấp, các Bộ, ngành quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao về phối hợp cộng tác với ngành nông nghiệp tham gia thực hiện tái cơ cấu, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đưa sản phẩm không an toàn ra thị trường./.
Tác giả: Hùng Cường
Nguồn tin: www.vpubnd.laichau.vn
Ý kiến bạn đọc