Tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam; đại diện Hội Liên hiệp Mắc ca Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo một số xã; đại diện một số doanh nghiệp và người nông dân trên địa bàn tỉnh.
Trước khi vào hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan thực tế diện tích trồng cây Mắc ca đã cho ra quả tại xã Bản Hon (huyện Tam Đường), Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khánh Hòa (thành phố Lai Châu) và vườn ươm giống Mắc ca của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Giang ở xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ).
Tại tỉnh Lai Châu cây Mắc ca được đưa vào trồng từ năm 2011 tại vườn của một số hộ trên địa bàn thành phố với quy mô 0,99 ha. Năm 2012, 2013 tỉnh tiếp tục trồng mới trên 190 ha cây Mắc ca theo các chương trình nghiên cứu và trồng thử nghiệm, chủ yếu tập trung tại huyện Tam Đường với trên 169 ha (trồng thuần 133 ha, trồng xen trên nương chè 36 ha). Từ năm 2014-2016, tại các huyện Phong Thổ, Sìn Hồ và Nậm Nhùn đã trồng mới tập trung trên 150 ha, trong đó riêng Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Trường Giang Lai Châu trồng gần 100 ha tại huyện Phong Thổ và Nậm Nhùn.
Năm 2017, toàn tỉnh đã trồng mới được 540,58 ha tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Sìn Hồ, Tân Uyên, Tam Đường và thành phố Lai Châu. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 810 ha Mắc ca, các vườn đều sinh trưởng, phát triển tốt, nhiều vườn đã cho thu hoạch đạt hiệu quả kinh tế. Theo các cơ quan chuyên môn, tại thời điểm năm 2017, đa số diện tích cây Mắc ca trồng từ năm 2011 đến năm 2013 đã có quả, một số diện tích trồng năm 2014 đã bói quả, sản lượng quả Mắc ca bình quân từ 2,5-55,5 kg quả tươi/cây. Qua đánh giá, đa số diện tích cây mắc ca đều sinh trưởng và phát triển tốt. Với năng suất và sản lượng như thời điểm năm 2016 khoảng 800kg/ha, giá thu mua từ 50-80 nghìn đồng/kg, thu nhập bình quân trừ chi phí ước đạt 40-50 triệu đồng trên 01 ha.
Tiềm năng mang lại lợi nhuận kinh tế của cây Mắc Ca cho người dân là rất cao, tỉnh Lai Châu đã đề ra mục tiêu đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ có 3.600 ha cây Mắc Ca. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để phát triển cây Mắc Ca như Nghị quyết số 26/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc Bổ sung một số nội dung tại điều 1, Nghị quyết số 33/2016/NQ-HĐND ngày 28/7/2016 của HĐND tỉnh. Giai đoạn 2017-2020 (trong đó có nội dung khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và hộ gia đình, cá nhân phát triển cây Mắc Ca tập trung trên địa bàn tỉnh); ngày 26/12/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1655/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển cây Mắc Ca tập trung trên địa bàn tỉnh Lai Châu đến năm 2021…
Phát biểu tại hội thảo khoa học phát triển cây Mắc Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Quảng nhấn mạnh: Cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh sinh trưởng, phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều cây khác. Dù lúc đầu khi mới đưa loại cây này vào trồng trên địa bàn tỉnh, người dân chưa thực sự quan tâm đầu tư, chăm sóc nhưng cây vẫn ra hoa, kết trái và cho thu hoạch nên người dân rất phấn khởi và quan tâm đầu tư, chăm sóc hơn. Hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều diện tích đất để trồng loại cây này. Năm 2017, tỉnh xác định đưa cây Mắc ca trở thành cây, sản phẩm chủ lực của tỉnh Lai Châu giúp cho người dân xóa đói, giảm nghèo và tạo môi trường sinh thái bền vững. Tỉnh Lai Châu phấn đấu đến năm 2021 toàn tỉnh sẽ có 3.600 ha, trong đó có 1.000 ha trồng xen với chè và phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 10.000 ha cây Mắc ca.
Tại buổi Hội thảo, các đại biểu được nghe các nhà khoa học đánh giá thực trạng, khả năng và định hướng phát triển; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và tìm đầu ra cho sản phẩm Mắc ca; Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank) cam kết cho người dân vay vốn phát triển loại cây này…với điều kiện vay vốn được nới rộng, tài sản đảm bảo là QSD đất và tài sản gắn liền với đất là cây mắc Ca, thời hạn vay vốn dài 06,10,15 năm theo từng mục đích như chuyển nhượng QSD đất, trồng mới cây Mắc ca, chăm sóc cây Mắc ca..., lãi suất hợp lý, phương thức trả nợ linh hoạt...
Các nhà khoa học đánh giá thực trạng, khả năng và định hướng phát triển; tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Mắc ca.
Đại diện Hội Liên hiệp Mắc ca Việt Nam giới thiệu các sản phẩm của cây Mắc ca khả năng, định hướng phát triển và đầu ra cho sản phẩm Mắc ca Việt nam