Tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi

Thứ sáu - 22/02/2019 03:35 338 0
(MPI) – Ngày 20/02/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp: tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp không chỉ tạo ra đột phá trong lĩnh vực đầu tư mà còn là các văn bản tạo “cảm hứng” cho các văn bản chuyên ngành về kinh doanh khác. Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp là hai luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta, tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp và thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.

Các quy định của hai luật này đã thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách, tạo cảm hứng và dẫn dắt hệ thống pháp luật của Việt Nam. Việc cấp giấy phép kinh doanh, từ giai đoạn còn dè dặt, lo ngại và tư duy quản lý hàng chục giấy phép con mỗi doanh nghiệp phải gánh chịu đến nay đã thông thoáng, thuận lợi và việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đang diễn ra mạnh mẽ.

Đặc biệt, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đã thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân. Tư tưởng quan trọng này đã góp phần không nhỏ tạo nên thuận lợi đối với môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Luật doanh nghiệp đã bãi bỏ quy định Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải ghi các ngành, nghề đăng ký kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ được kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Các thủ tục thành lập doanh nghiệp đơn giản hơn và thể hiện cách hiểu tiến bộ. Đồng thời, bãi bỏ nhiều ràng buộc về con dấu để doanh nghiệp có thể tự chủ, tự quyết định. Người đại diện của doanh nghiệp cũng được mở rộng, không chỉ giới hạn tối thiểu là một người như trước đây. Bổ sung về doanh nghiệp xã hội để có những định chế thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ loại doanh nghiệp này phát triển… Đây là những thay đổi có tính bước ngoặt, giải quyết rất nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn và chú trọng hơn nữa về quyền tự do trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật đầu tư đưa ra nguyên tắc khi xác định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh, trong đó nhấn mạnh đến việc cấm kinh doanh một số ít ngành nghề hay đặt ra điều kiện kinh doanh cho một số ngành nghề cụ thể. Lần đầu tiên trong lịch sử về pháp luật kinh doanh tại Việt Nam, Danh mục 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được ban hành. Đây là một trong những bước tiến lớn thể hiện sự minh bạch trong chính sách, là biện pháp kiểm soát việc ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, điều mà một thời gian dài trước đây chưa từng làm được. Luật đầu tư cũng có những thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư theo hướng cởi mở, tích cực hơn, đặc biệt đối với nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài có vốn sở hữu dưới 50%, … Đây là bước đà tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư bắt đầu thực hiện các dự án đầu tư.

Chính phủ đã có những chương trình cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chuyển trọng tâm quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính… Môi trường kinh doanh và đầu tư của nước ta đã có những chuyển biến thuận lợi. Tốc độ thành lập doanh nghiệp mới trong 3 năm gần đây đạt mức cao nhất trong 20 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển khởi sắc.

Tuy nhiên, với những chuyển biến mạnh mẽ trong nền kinh tế, cũng như những mục tiêu tiếp theo trong thời gian tới, các động lực phát triển tiếp tục đòi hỏi chúng ta phải cải cách hơn nữa và bắt đầu từ việc nhìn lại hai văn bản luật quan trọng này. Do vậy, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chủ động nói lên tiếng nói từ thực tiễn kinh doanh để Ban Soạn thảo, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan có thêm thông tin hữu ích trong việc sửa đổi hai luật này.

Tạo điều kiện thuận lợi và tối giản ở mức cao nhất các điều kiện kinh doanh

Tái khẳng định về vai trò của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, sự ra đời của hai luật này đã tháo gỡ và tối giản ở mức cao nhất các điều kiện kinh doanh. Năm 2018 có gần 3.000 điều kiện kinh doanh được bãi bỏ khẳng định tính đúng đắn của hai luật này.

Về số lượng doanh nghiệp, cho đến nay có khoảng 750 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong 3 năm gần đây so với thời gian trước khi Luật doanh nghiệp ra đời thì số lượng doanh nghiệp tăng khoảng 65-70%, điều này khẳng định được tinh thần sáng tạo, thúc đẩy sự tham gia thị trường của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: MPI

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như sự khác nhau trong quy trình, thủ tục đầu tư giữa hai luật này đối với các luật chuyên ngành. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến động, đặc biệt là quá trình chúng ta đang tham gia tích cực, chủ động vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tính chất điều chỉnh sâu rộng đòi hỏi phải điều chỉnh căn bản một số nội dung tại hai luật này.

Về hộ kinh doanh gia đình, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã áp dụng các quy định, điều kiện của Luật doanh nghiệp nhằm hướng tới việc chuyển đổi các hộ kinh doanh gia đình thành doanh nghiệp.

Đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài (FDI), với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và tinh thần của Luật đầu tư, giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án và giải ngân FDI tăng vọt, riêng năm 2018 giải ngân đạt gần 20 tỷ USD. Việc tổng kết 30 năm thu hút FDI vào Việt Nam đã có những đánh giá về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế trong thu hút FDI trong việc sử dụng lao động, tài nguyên, chuyển giao công nghệ... Hiện Nghị quyết chuyên đề về FDI đang được nghiên cứu, xây dựng, trong đó xác định những quan điểm, giải pháp mạnh mẽ, đột phá để nâng cao chất lượng thu hút và sử dụng FDI trong giai đoạn tới. Đây cũng là nội dung quan trọng cần điều chỉnh trong hai luật này nhằm cụ thể hóa quan điểm mới của Đảng, Nhà nước đối với FDI trong giai đoạn tới, tập trung vào dự án có công nghệ cao. Đây cũng là tiền đề để phục vụ cho sửa đổi Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư.

Việc sửa đổi hai luật này là cần thiết nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện. Đồng thời, cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp. Đồng thời cho biết, trong quá trình soạn thảo Luật này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành tổng kết 04 năm thi hành Luật nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc và đề xuất giải pháp hoàn thiện; tổ chức rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đồng thời có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý KCN cấp tỉnh, VCCI, Hiệp hội doanh nghiệp về Dự thảo Luật. Dự thảo Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi.

Hội thảo đã nhận được các ý kiến trao đổi thẳng thắn, mang tính xây dựng của các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là ý kiến của các doanh nghiệp trong quá trình thực thi hai đạo luật quan trọng này. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp là cần thiết để tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng./.

 

 

Tác giả: Tùng Linh

Nguồn tin: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 657 | lượt tải:3183

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 763 | lượt tải:332

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2494 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2008 | lượt tải:264

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay20,579
  • Tháng hiện tại295,986
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,708,414
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down