Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
FDI đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ năm 1987, song hành cùng với quá trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua hơn 30 năm phát triển, đến nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tính đến tháng 8/2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 334 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài có đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư phát triển với tỷ trọng khoảng 23,7% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; 58% tổng vốn đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong xuất khẩu, đạt 72.6% trong năm 2017 và 71,4% trong 9 tháng năm 2018, số thu nộp ngân sách của khu vực đầu tư nước ngoài tăng đều qua các năm và đạt hơn 8 tỷ USD trong năm 2017, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Tính đến nay, khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm cho gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5 triệu việc làm gián tiếp.
Về kinh tế, đầu tư nước ngoài đóng góp vai trò là một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mức đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong GDP của cả nước tăng từ 9,3% năm 1995 lên 19,6% năm 2017.
Khu vực đầu tư nước ngoài đã có đóng góp đáng kể vào việc phát triển ngành dịch vụ chất lượng cao ở Việt Nam trong những năm qua, như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch… Đồng thời, còn là nhân tố góp phần chuyển đổi không gian phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Đầu tư nước ngoài còn tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhờ có định hướng này, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng nhanh trong thời gian gần đây, góp phần quan trọng làm cân bằng cán cân thương mại, giảm áp lực tỷ giá và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.
Trong 30 năm qua, nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến ở một số ngành, lĩnh vực; tác động lan tỏa nhất định tới khu vực doanh nghiệp trong nước, qua đó góp phần nâng cao trình độ công nghệ và quản trị của nền kinh tế.
Về xã hội, khu vực đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong tạo việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Việc làm trực tiếp trong khu vực đầu tư nước ngoài đã tăng từ 330 nghìn người năm 1995 lên khoảng 3,6 triệu người năm 2017, đồng thời tạo việc làm gián tiếp cho khoảng 5 - 6 triệu lao động. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng là những đơn vị đi tiên phong trong đào tạo, nâng cao trình độ và tác phong công nghiệp của đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý. Nhiều vị trí việc làm trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, nay đã được thay thế bằng lao động Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, tham gia hoạt động xóa đói, giảm nghèo và các hoạt động thiện nguyện khác.
Ngoài ra, việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đã góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng nêu trên, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục. Cụ thể là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án đầu tư nước ngoài chưa cao… Những tồn tại, hạn chế nêu trên đã được nhận diện. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các vấn đề này trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thời gian tới sẽ ưu tiên thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe... đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước...
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Về thị trường, đối tác, đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Chú trọng các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại…
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Đức Trung (MPI) |
Việt Nam: Địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Báo cáo tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài và đặc biệt biểu dương Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị tổng kết gắn liền với hoạt động xúc tiến đầu tư cấp quốc gia, cùng với nhiều hoạt động bên lề như triển lãm thành tựu 30 năm đầu tư nước ngoài như chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như cuộc gặp gỡ giữa các nhà đầu tư và các bộ, ngành trung ương.
Tổng kết 30 năm qua cho thấy, việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Sự nghiệp Đổi mới bắt đầu từ năm 1986 thì đến tháng 12/1987, Quốc hội đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài luôn “song hành” với sự nghiệp Đổi mới và là sự cụ thể hóa sinh động chủ trương “mở cửa” của đất nước. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận không tách rời của nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.
Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư tin cậy, hiệu quả theo đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo năm 2017 của Tổ chức thương mại Thế giới, Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút đầu tư nước ngoài trên thế giới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Vui mừng về những thành tựu to lớn đã đạt được nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn ít.
Bên cạnh đó, liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài, khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dựán đầu tư nước ngoài tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường, còn biểu hiện báo lỗ - chuyển giá,... Chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài còn thiếu sự phối hợp từ trung ương đến địa phương.
Nhìn chung, vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục nhưng tổng quát lại khu vực đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Hiện nay, Việt Nam đang tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Quan điểm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ mở theo hướng, khẳng định nhất quán khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài luôn là một bộ quan trọng của nền kinh tế. Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay Việt Nam thực hiện chính sách “hợp tác đầu tư nước ngoài” với nội hàm mở rộng hơn. Hợp tác đầu tư nước ngoài là hợp tác cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt nhấn mạnh hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác đầu tư nước ngoài mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam mong muốn hợp tác đầu tư mang lại hiệu quả hợp tác cho nhà đầu tư, Nhà nước, xã hội và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư nước với nhà đầu tư nước ngoài. Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, chúng ta tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở các vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao… Đây là quan điểm nhân văn của phát triển bền vững, bao trùm, chia sẻ thành quả phát triển với mọi người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng, lựa chọn, đồng hành và lớn lên cùng Việt Nam
Tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần, đó là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Cùng với đó, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ...Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi. Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Chương trình hành động cụ thể để thực hiện tốt hơn nữa công tác thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam. Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua.
Chính phủ Việt Nam nhất quán và cam kết tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài và cam kết xây dựng môi trường đầu tư ngày càng thuận lợi, mang tính cạnh tranh, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế tiên tiến và phù hợp với các cam kết tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Chính phủ luôn lắng nghe và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư để hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển bền vững. Sự thành công của các bạn tại Việt Nam cũng chính là thành công, niềm tự hào của chúng tôi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương lao động hạng nhất cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Huân chương lao động hạng ba cho Cục Đầu tư nước ngoài. Đồng thời, lãnh đạo của 12 địa phương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án và 10 biên bản ghi nhớ về đầu tư cho các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, viễn thông, xây dựng,… với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD./.
Tác giả: Thúy Quyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc