Quốc hội thảo luận về phân bổ ngân sách, đầu tư công

Thứ ba - 30/10/2018 04:55 310 0
Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn,…
Quốc hội thảo luận về phân bổ ngân sách, đầu tư công
Tại phiên họp, Quốc hội tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. 

Điều hành phiên họp Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 42 đại biểu phát biểu tham luận, 4 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung đại biểu quan tâm.

Các định hướng lớn được đảm bảo

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đi sâu vào phân tích kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018; đánh giá 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự toán NSNN năm 2019 và đề xuất các kiến nghị.  

Trước tiên, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ đã có nhiều cố gắng, bám sát vào Nghị quyết số 25 và số 26 của Quốc hội.

Về kế hoạch tài chính 5 năm đã thực hiện khá tốt mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể. Các định hướng lớn được đảm bảo như tiến độ thu NSNN, tỷ lệ huy động vào NSNN. Cơ cấu chi đã theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Kỷ luật tài chính đã được tăng cường hơn so với giai đoạn trước. Bội chi và trần nợ công được kiểm soát, cơ cấu nợ dần được cải thiện.

Các đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 là một bước chuyển biến tích cực theo hướng đổi mới, cơ cấu lại đầu tư công. Mặc dù, mới lần đầu triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn và cũng còn một số vướng mắc nhất định cần được tháo gỡ, song đầu tư công trong 3 năm qua đã có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, đảm bảo các mục tiêu, định hướng đầu tư theo Nghị quyết 26 của Quốc hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần lưu ý những tồn tại, hạn chế về thu, chi NSNN; về cân đối nguồn lực đầu tư công trung hạn, lựa chọn trật tự ưu tiên, bố trí nguồn vốn; bội chi và nợ công… qua đó đề xuất các giải pháp khắc phục.

Thực hiện dự toán NSNN có nhiều chuyển biến tích cực

Về kết quả thực hiện dự toán NSNN năm 2018, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện dự toán ngân sách năm 2018 là tích cực, có nhiều chuyển biến, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, đảm bảo cân đối NSNN. Tuy nhiên, tăng thu chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, từ tiền sử dụng đất; các khoản thu từ năng lực nội tại của nền kinh tế như thu từ khu vực DNNN, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán, chưa bền vững và thiếu tính ổn định.

Về chi NSNN, nhiều ý kiến cho rằng, chi NSNN năm 2018 đã bám sát Nghị quyết của Quốc hội, cơ bản đảm bảo các nhiệm vụ chi của NSNN. Tuy nhiên, cần nhận thấy, kỷ luật tài chính, ngân sách còn khá lỏng lẻo, việc thực hiện cơ chế tự chủ, khoán kinh phí ở một số lĩnh vực dịch vụ công chưa thật tích cực. Việc thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi, ưu tiên vốn cho đầu tư phát triển còn có mặt hạn chế.

Về bội chi và nợ công, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, bội chi ngân sách và nợ công giữ được mức trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, cần lưu ý khoản nợ nước ngoài đang có xu hướng vượt trần.

Tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công

Về dự toán NSNN, phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia 2019-2021, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất về dự toán thu, chi và bội chi NSNN năm 2019 và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm về tài chính, NSNN năm 2019 và 3 năm 2019-2021 là tiếp tục cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực NSNN gắn với huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển KT-XH.

Có ý kiến đề nghị rà soát lại chính sách thu, chi cho hợp lý, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để nâng cao kỷ luật tài chính.

Có ý kiến cho rằng, phân bổ ngân sách còn bình quân, dàn đều, cần đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, các trọng điểm kinh tế để tạo sự lan tỏa, tạo động lực phát triển. Có ý kiến đề nghị bố trí thêm nguồn lực để thực hiện chính sách phát triển KT-XH cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị đảm bảo chi NSNN cho một số lĩnh vực như: y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật, bảo tồn di tích lịch sử, đảm bảo an sinh xã hội, chính sách cho người có công, tăng chi cho công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển rừng, phòng chống dịch bệnh, giữ trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh....

Bảo đảm trật tự ưu tiên

Về các giải pháp thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm 2018, 2019 và giai đoạn 2016-2020, nhiều ý kiến đại biểu thống nhất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện dự toán NSNN những tháng còn lại của năm 2018, kế hoạch năm 2019-2020 như báo cáo của Chính phủ.

Đề nghị Chính phủ giữ nguyên trần đầu tư công là 2 triệu tỷ đồng, gắn với kế hoạch bội chi cũng như trần nợ công theo kế hoạch tài chính 5 năm đã được QH quyết định; cơ bản tán thành việc điều chỉnh nâng trần vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu giải ngân vốn ODA và cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng căn cứ theo tiến độ thu ngân sách và phải cân đối được nguồn vốn. Đề nghị Chính phủ rà soát, giải trình thêm bằng văn bản với Quốc hội về việc nguồn lực có đủ hay không để phân bổ nguồn dự phòng.

Về phương án xử lý số vốn ODA tăng thêm và việc sử dụng 10.000 tỷ đồng cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, gia cố hệ thống đê xung yếu, xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển, phòng tránh, khắc phục thiên tai, các đại biểu cũng đề xuất một số dự án, công trình cụ thể song phải đảm bảo trật tự ưu tiên, nhất là phải ưu tiên cho các công trình xây dựng cơ bản dở dang, đảm bảo nguyên tắc phân bổ, có danh mục và mức phân bổ cụ thể.

Trường hợp các danh mục không trình được tại kỳ họp lần này, đề nghị Quốc hội giao Chính phủ báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định. Sau đó báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không giao UBTVQH mà phải do Quốc hội quyết định tại Kỳ họp sau. (Thực tế trong Nghị quyết 26, Quốc hội đã giao UBTVQH quyết nguồn dự phòng 200 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên UBTVQH đều giữ nguyên tắc đều phải trình ra Quốc hội).

Thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách

Mở đầu tham luận đầu giờ chiều, đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong đầu tư công thời gian qua, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện quy định pháp luật về đầu tư các dự án đối tác công tư PPP để thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân, nước ngoài mạnh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa vào đầu tư phát triển kinh tế, xã hội.

Về công tác kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công, đại biểu cho rằng đây là khâu đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công trình, cũng như niềm tin của xã hội, do vậy cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm trong quá trình thực hiện, thi công, quản lý dự án;... 

Về kết quả dự toán ngân sách nhà nước 2018 và phân bổ ngân sách 2019, đại biểu đề nghị cần thực hiện nghiêm kỷ luật ngân sách, có giải pháp hiệu quả để bảo đảm các nguồn thu, giảm nợ thuế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trái phiếu nhà nước, tránh lãng phí ngân sách...

Đẩy mạnh xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho bệnh viện công

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị đầu tư kinh phí thống nhất, kịp thời cho y tế dự phòng, theo đúng tinh thần "phòng bệnh hơn chữa bệnh";... Theo đó, cần sớm xây dựng Luật Phòng bệnh cho các nhóm bệnh; cân đối hợp lý quỹ Bảo hiểm y tế để đầu tư cho hoạt động phòng bệnh; sớm hoàn thiện quy định về bảo hiểm y tế theo mệnh giá,...

Về y tế cơ sở, tuy có nhiều tiến bộ song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân dẫn tới tình trạng quá tải ở tuyến trên. Do vậy đại biểu đề nghị cần triển khai hiệu quả các giải pháp thông tuyến, đầu tư nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người dân sử dụng kỹ thuật y tế cao ngay các tuyến dưới,... 

Đồng thời, đại biểu đề nghị Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động y tế để thu hút tư nhân đầu tư vào hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; thúc đẩy giao quyền tự chủ thực sự cho các bệnh viện công lập...

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh).

Đổi mới công tác lập dự toán

Tiếp đó, các đại biểu Đinh Văn Nhã (Phú Yên), Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang),.... đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành trong thực hiện các quy định của Chính phủ, trả lời kiến nghị của các địa phương;

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật ngân sách; thực hiện hiệu quả tiết kiệm, chống lãng phí; có giải pháp hiệu quả, cân đối lại ngân sách, khắc phục tình trạng hụt thu ngân sách Trung ương;... Các đại biểu cũng đề nghị chỉ phân vốn cho các địa phương có cam kết đủ vốn đối ứng khi đầu tư dự án;...

Đặc biệt, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí đủ vốn cho vùng khó khăn, nhất là vốn xây dựng kè biên giới, đường tuần tra biên giới, bố trí vốn đầu tư cho các công trình ứng phó biến đổi khí hậu, xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường; đầu tư kinh phí xây dựng chính phủ điện tử; đầu tư kinh phí bảo tồn di sản Huế; bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần đổi mới công tác lập dự toán ngân sách nhà nước...

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng và các bộ ngành phối hợp chặt chẽ để điều hành kinh tế vĩ mô, phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát... Nhờ sự phối hợp chặt chẽ như vậy nên thời gian qua, hiệu quả công tác điều hành và hoạch định các chính sách, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa đạt được kết quả rất tốt.

Phối hợp chặt chẽ điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ

Cụ thể, về việc điều hành về kiểm soát lạm phát, trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính. Qua công tác điều hành như vậy, công tác hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ đã giữ được sự ổn định của lạm phát cơ bản ở mức thấp. Lạm phát cơ bản năm 2016 bình quân chỉ ở mức 1,83%, năm 2017 ở mức 1,14% và 9 tháng 2018 trưởng mức 1,41%.

Như vậy, qua điều hành ổn định và hiệu quả của chính sách tiền tệ tạo dư địa cho các bộ, ngành, trong đó có Bộ Tài chính điều hành các mặt hàng quản lý giá của nhà nước giữ được mục tiêu lạm phát của các năm là dưới mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.

Bên cạnh đó, trong điều hành vĩ mô, vừa qua cá nhân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trao đổi rất chặt chẽ để điều tiết lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước về Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo giữ ổn định thanh khoản, ổn định lãi suất và không gây sức ép lên thị trường tiền tệ cũng như là lạm phát, qua đó đạt được hiệu quả rất cao trong việc giữ ổn định các nền tảng vĩ mô.

Vấn đề thứ hai là trong giai đoạn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ rất lớn. Qua công tác điều hành chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ và hiệu quả như vậy, chúng ta đã giữ được ổn định được mặt bằng lãi suất trên thị trường tiền tệ, đảm bảo được nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ và gia tăng được kỳ hạn phát hành, tăng được thời gian phát hành dài hơn và đặc biệt nữa là lãi suất của các kỳ hạn cũng giảm.

Giữ ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường tiền tệ

Vấn đề thứ ba được Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ tại hội trường Quốc hội là trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để điều hành chính sách tỷ giá một cách ổn định, theo mục tiêu xuyên suốt là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Qua đó, chúng ta giữ được ổn định thị trường ngoại hối thông suốt, qua đó giảm áp lực trả nợ nước ngoài của ngân sách nhà nước.

Vấn đề thứ tư, trong quản lý hoạt động của thị trường chứng khoán, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết,  hai bộ ngành thường xuyên phối hợp trong điều hành tín dụng.

“Chúng tôi điều hành tín dụng một cách nhất quán, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào thị trường chứng khoán để không gây biến động trên thị trường chứng khoán, qua đó giữ ổn định luồng vốn đầu tư vào thị trường” – Thống đốc chia sẻ

Khi thị trường có diễn biến đột xuất, lãnh đạo các bộ và Thống đốc đều phối hợp chặt chẽ để chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời công bố các thông tin định kỳ về thị trường để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Vấn đề thứ năm, theo Thống đốc Lê Minh Hưng, trong công tác phối hợp làm việc với các tổ chức quốc tế, các bộ, đặc biệt là Bộ Tài chính và NHNN đã làm việc với các tổ chức quốc tế, qua đó cung cấp thông tin một cách định kỳ, kỹ lưỡng và minh bạch, tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế có đánh giá khách quan và chính xác về tình hình kinh tế vĩ mô để củng cố lòng tin của các nhà đầu tư vào điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và của các bộ, ngành.

Thời gian tới, trên cơ sở kết quả đạt được sẽ tiếp tục tục hiện nhất quán chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành trong đó Bộ Tài chính và NHNN phối hợp chặt chẽ, để kiểm soát, bảo đảm giữ được mục tiêu lạm phát ở mức Quốc hội đã thông qua. Cũng qua đó phối hợp điều tiết lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước ở hệ thống ngân hàng để giữ ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường tiền tệ cũng như giảm nghĩa vụ nợ của ngân sách nhà nước.

“Chúng tôi cũng tiếp tục phối hợp cùng Bộ Tài chính tính toán thời điểm, liều lượng phát hành trái phiếu phù hợp để không gây áp lực lên thị trường tiền tệ. Đồng thời, báo cáo Chính phủ, các cơ quan chức năng quyết định, xem xét bố trí nguồn vốn theo quy định của pháp luật để tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đủ cơ sở nền tảng tài chính cho các ngân hàng này tiếp tục hoạt động tốt trên thị trường” – Thống đốc nói.

Kế hoạch 5 năm đã tránh tình trạng “cắt khúc”Ý thức chấp hành pháp luật đầu tư công nâng lên rõ rệt

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. 

Bộ trưởng cho biết, trước khi có Luật Đầu tư công, tình trạng đầu tư rất phân tán, dàn trải, quyết định đầu tư không xác định được nguồn vốn, nhiều dự án dở dang... đã để lại hậu quả nặng nề và chúng ta đang phải xử lý hậu quả của giải đoạn trước. Luật Đầu tư công ra đời trước hết nhằm giải quyết tình trạng đầu tư dàn trải, tuy chưa xử lý được triệt để nhưng đã có những kết quả rất đáng ghi nhận. 

Bên cạnh đó, sau khi ban hành Luật Đầu tư công chúng ta đã xử lý được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ sau 1/1/2015, nếu phát sinh nợ đọng cơ bản là vi phạm pháp luật. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật về đầu tư công đã được nâng lên rõ rệt. 

Tuy nhiên, việc áp dụng Luật Đầu tư công trong thực tiễn cũng có những hạn chế như các đại biểu đã nêu là giao vốn chậm, giao nhiều lần,... Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã xây dựng dự thảo luật sửa đổi để trình Quốc hội xem xét ban hành nhằm khắc phục những vướng mắc này với tinh thần vừa đẩy mạnh phân cấp, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu bộ ngành, địa phương, vừa quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thành lập các đoàn công tác làm việc với các bộ ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công,...

Đề cập đến kế hoạch 5 năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là bước mang tính đột phá rất lớn. Do trước đây xây dựng kế hoạch hàng năm nên đã xảy ra tình trạng “ăn đong”, xin cho, vốn ít dự án nhiều, dẫn đến dàn trải, nợ đọng…

Theo phương pháp hiện nay là làm theo kế hoạch 5 năm kết hợp hàng năm, tức là trong 5 năm có bao nhiêu tiền để chủ động chọn lựa dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiệu sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đây là kế hoạch, còn chi thực tế phụ thuộc ngân sách trên cơ sở thu thực tế hàng năm.

Thứ hai là Luật Đầu tư công trước đây quy định lập dự án rồi đi xin vốn, nhưng bây giờ phải xác định có bao nhiêu vốn mới lập dự án. Các bước tiếp theo là thẩm định quy trình, đưa vào kế hoạch trung hạn, quyết định chủ trương đầu tư, giao vốn hàng năm… là quy trình đã được ban hành chặt chẽ.

Kế hoạch 5 năm đã tránh tình trạng “cắt khúc”, tăng tính khả thi của kế hoạch, tăng được tính dự báo, giảm cơ chế xin cho. Tuy nhiên, cách làm này cũng có mặt hạn chế là khó điều chỉnh linh hoạt.

Thứ ba là về nguồn lực, nhu cầu đầu tư phát triển của nước ta là rất lớn nhưng khả năng ngân sách có hạn. “Đây là bài toán rất khó để cân đối và hài hòa được”, Bộ trưởng nói và kiến nghị cho phép sử dụng vốn dự phòng trong một số trường hợp cấp bách của các bộ ngành, địa phương.

Thu NSNN 3 năm vượt dự toán

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến việc cơ cấu lại NSNN; việc thực hiện và giao dự toán thu từ các khu vực kinh tế, một số địa phương trọng điểm thu và quản lý vốn vay ODA.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những kết quả đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực; một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn; tính bền vững của NSNN được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô.

Theo đó, thu NSNN 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54-55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch của 5 năm), tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 24,9% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt 21% GDP, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội (tỷ lệ động viên vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 21% GDP).

Tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016-2018 bằng 1,5 lần bình quân giai đoạn 2011-2015. Trong đó, thu nội địa tăng 1,78 lần (nếu trừ đất, trừ phần bán vốn, cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước, tăng 1,62 lần). Tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giảm tương ứng từ 23% xuống còn 18% trong cùng kỳ.

Đối với ý kiến một số đại biểu cho rằng, số tăng thu NSNN trong 3 năm qua chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, điều này là đúng vì khoản thu này phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của chính quyền từng địa phương. Tuy nhiên, cũng như một số nguồn thu từ khai thác khoáng sản, bán tài sản Nhà nước, tỷ trọng khoản thu tiền sử dụng đất trong thu nội địa đang có xu hướng giảm, từ mức khoảng 11% năm 2016, 12% năm 2017, xuống còn 10,6% năm 2018 và dự kiến giảm còn khoảng 6,7% năm 2020.

“Đối với một số địa phương, các nguồn thu này đã giảm mạnh thời gian qua. Chẳng hạn, Đà Nẵng đã từng có lúc thu tiền sử dụng đất chiếm gần 50% tổng thu ngân sách địa phương (NSĐP), thì nay chỉ còn khoảng trên dưới 10%; Quảng Ninh, năm 2011 thu từ khai thác khoáng sản (chủ yếu là than) chiếm gần 60% thu NSĐP, thì đến nay còn khoảng 45%; trong khi chi ngân sách của các địa phương này vẫn tăng nhờ thu thuế, phí từ hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước tăng nhanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên

Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng, kết quả cơ cấu lại là tích cực, sớm đạt yêu cầu theo Nghị quyết 25 của Quốc hội và tính bền vững NSNN được củng cố.

Theo đó, đã tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Dự toán năm 2015 là 17% tổng chi NSNN; nghị quyết của Quốc hội yêu cầu giai đoạn 2016-2020 bố trí tăng lên bình quân 25-26%, dự toán NSNN 3 năm đã bố trí trên 26%, thực tế thực hiện còn lên đến 27-28% nhờ tăng thu NSĐP.

Cùng với đó, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên: Dự toán năm 2015 là 66,8%; Quốc hội yêu cầu giảm dần xuống mức dưới 64%, dự toán 3 năm 2016-2018 đã bố trí khoảng 64%, thực hiện xuống còn 63%, trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, đảm bảo một số nhiệm vụ an ninh - quốc phòng,... “3 năm gần đây thu ngân sách đều có tích luỹ cho đầu tư phát triển”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Bên cạnh đó, bội chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP; trong điều hành phấn đấu giảm so với dự toán và giảm dần qua các năm: nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,79% GDP; năm 2018 dự kiến còn 3,67% GDP (dự toán là 3,7%).

Các khoản nợ công cũng được kiểm soát chặt chẽ; bố trí trả nợ đầy đủ. Nhờ vậy, tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa, từ mức tăng trên 18% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 9,6% của 3 năm 2016-2018, góp phần đưa tỷ lệ nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% GDP năm 2018 và dự kiến xuống còn 61,3% năm 2019 và 60,8% năm 2020...

Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ

Về băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về nghĩa vụ chi trả nợ gốc có xu hướng tăng nhanh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, “điều này là đúng”. Bởi vì, trong giai đoạn 2012-2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3-5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc chủ yếu vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay IDA, ADF, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

“Tuy nhiên, so với mấy năm trước, áp lực huy động cho NSNN, bao gồm vay cho bù đắp bội chi và vay trả nợ gốc – hay nôm na là vay đảo nợ, đã giảm mạnh. Cụ thể, năm 2018, tổng mức vay của NSNN là 363 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2014 là 441 nghìn tỷ đồng, năm 2015 là 447 nghìn tỷ đồng, năm 2016 là 389 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (năm 2018, Fitch và Moody’s đã lần lượt nâng bậc hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB/Ba3). Tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng nhận định tình hình tài chính công của Việt Nam trong trung hạn ở mức ổn định, rủi ro khủng hoảng nợ ở mức thấp.

Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2016-2018. Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Theo đó, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018; trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Riêng đối với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp (hiện chiếm khoảng 50% tổng nợ nước ngoài của quốc gia), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của Công ty Vietnam Beverage trị giá 4,8 tỷ USD để mua cổ phần Sabeco...

Thu từ 3 khu vực kinh tế vẫn tăng trưởng khá

Liên quan đến thực hiện và giao dự toán thu từ các khu vực kinh tế và một số địa phương trọng điểm thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Chính phủ đang báo cáo ước thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 97,1% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8% dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó, còn do số ước năm 2017 cao (thực hiện thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018). “Mặc dù không đạt dự toán, nhưng thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 vẫn tăng trưởng khá (khu vực DNNN ước tăng 9,7%; khu vực FDI tăng 10,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,7%), tính chung 3 khu vực tăng khoảng 12,8% là mức tích cực so với đánh giá tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 6,7% và lạm phát khoảng 4%", người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, để đạt được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, còn có phần đóng góp rất lớn của các địa phương, đặc biệt là 16 địa phương có điều tiết thu về ngân sách trung ương (chiếm trên 70% tổng thu nội địa). Đây là các địa phương có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa thu ngân sách,... Do đó, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung trên cơ sở yêu cầu bám sát thực tế phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có khác biệt giữa thực tế và dự báo, dẫn đến việc hoàn thành dự toán thu ở một số địa phương là khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhìn tổng thể thu NSNN cả nước, việc giao dự toán thu đã dần sát hơn với thực tế.

Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, qua kinh nghiệm triển khai dự toán 3 năm 2016-2018, dự toán thu NSNN năm 2019 giao cho các địa phương đã có sự điều chỉnh lại sát với thực tế phát sinh trên địa bàn.

Chỉ bổ sung vốn cho dự án thực sự cần thiết, cấp bách

Về quản lý vốn ODA, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khi khoản vay được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận về, thì việc phân bổ, giao dự toán và quản lý nguồn vốn ODA từ trước đến nay vẫn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm.

Theo Bộ trưởng, thực tế trong 3 năm 2016-2018, dự toán nguồn vốn ngoài nước là 60 nghìn tỷ đồng/năm, nhưng tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn dự toán. Trường hợp bổ sung thêm kế hoạch trung hạn 60 nghìn tỷ đồng, thì số dự toán năm 2020 sẽ tăng mạnh, chưa tính đến số lũy kế chưa giải ngân của các năm 2016-2018.

“Vì vậy, chúng tôi nhất trí ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần rà soát thật cụ thể, lựa chọn bổ sung vào kế hoạch trung hạn và bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách, thuộc diện ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngoài nước và đáp ứng các điều kiện giải ngân tốt”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đối với các dự án vốn ngoài nước cấp phát cho địa phương một phần và cho vay lại một phần, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để đảm bảo tiến độ giải ngân và giữ các chỉ tiêu bội chi, nợ công, nợ chính quyền địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Với nguyên tắc bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước trên cơ sở giảm kế hoạch nguồn vốn TPCP, nên về cơ bản, các mục tiêu bội chi NSNN, nợ công đến năm 2020 sẽ không bị tác động. Tuy nhiên, để tránh các áp lực trong việc thực hiện các mục tiêu giảm dần bội chi, nợ công từ năm 2021 trở đi theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, không chỉ đánh giá các tác động bội chi, nợ công trong kỳ trung hạn 2016-2020, mà phải đánh giá các tác động bội chi, nợ công của toàn bộ kỳ Hiệp định đối với các dự án xem xét bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016-2020; trên cơ sở đó rà soát, lựa chọn, bổ sung các dự án thỏa mãn các điều kiện về tính cần thiết, cấp bách, ưu tiên sử dụng vốn ngoài nước, đủ điều kiện giải ngân; đồng thời các tác động của tổng quy mô giá trị vốn vay theo Hiệp định đối với bội chi NSNN, nợ công ở mức hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An).

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu

Mở đầu phiên họp buổi sáng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) bày tỏ đồng tình với nhận định của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Ông tham luận sâu thêm về tiến độ thực hiện chương trình hành động, triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đại biểu cũng góp ý về việc bổ trí vốn để thực hiện chương trình mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (xử lý nước thải sinh hoạt, ô nhiễm các bãi rác)... 

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm xây dựng ban hành chương trình tổng thể về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng danh mục chi riêng về vấn đề này để bảo đảm kinh phí thường xuyên; đề nghị quan tâm bố trí vốn thực hiện các dự án về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tham luận về đầu tư công, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắc Nông) tham luận về vấn đề bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án đường ven biển; cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh; việc sử dụng vốn nước ngoài đầu tư xây dựng đường cao tốc cần thực hiện đúng các Nghị quyết của Quốc hội và Bộ Chính trị....

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng).

Hoàn thiện cơ chế để đẩy mạnh tự chủ y tế

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) tham luận về việc bố trí vốn cho lĩnh vực y tế. Theo đại biểu việc bố trí vốn cho lĩnh vực này đang có xu hướng giảm, nhất là trong việc bố trí cho y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, phát triển y tế cơ sở khu vực khó khăn,... chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế. Đồng thời đại biểu cũng góp ý về việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập. 

Theo đó, cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có Nghị định quy định cụ thể để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở tự chủ; đồng thời cần đẩy mạnh phát triển bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng giường bệnh,...

Tập trung vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm

Tham luận về đầu tư công trung hạn, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) khẳng định việc đổi mới là cần thiết, đúng đắn và những nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, khi thực tế đầu tư công vẫn còn việc đầu tư dàn trải (tổng múc đầu tư 2 triệu tỷ đồng cho 9620 dự án), dẫn  tới nhiều dự án vẫn còn dở dang, thiếu vốn, không ở đâu mỗi tỉnh có một dự án... Đại biểu cho rằng cần ưu tiên tập trung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trọng điểm có quy mô lớn, có khả năng lan tỏa vùng, miền, tránh đầu tư dàn trải, cào bằng...

Tiếp đó, các đại biểu Trần Đăng Ninh (Hòa Bình), Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội), Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), Trần Quang Chiểu (Nam Định), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang), Nguyễn  Hồng Vân (Phú Yên)... bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua.

Góp ý thêm về các giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả bố trí, sử dụng vốn đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng, các đại biểu cho rằng cần đổi mới phương thức bố trí vốn ODA để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án; cụ thể hóa phương án nguồn kinh phí, chống dàn trải, nợ đọng, xin cho trong bố trí vốn đầu tư công trung hạn; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai vì đây là vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng lớn tới đời sống dân sinh và sự phát triển bền vững của đất nước; cơ cấu lại nguồn thu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, có giải pháp chống thất thu, nợ thuế để nâng cao hiệu quả thu ngân sách; rà soát tổng thể để có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm gây thất thoát, lãng phí đầu tư công; về chi thường xuyên, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu thay đổi chế độ trả lương theo thang bảng lương hiện nay, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm để nâng cao mức sống công chức, viên chức, ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt; tăng cường kỷ luật ngân sách; đẩy mạnh lộ trình giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, thay đổi cơ chế cấp ngân sách hiện nay sang chế độ đặt hàng;... Các đại biểu cũng phản ánh thêm về những khó khăn, vướng mắc tại địa phương, qua đó đề nghị cấp thẩm quyền có giải pháp tháo gỡ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang).

Kiên quyết thu hồi kinh phí chi sai

Nhất trí với 5 kiến nghị của Chính phủ về ngân sách nhà nước năm 2019. Về ngân sách nhà nước thời gian tới, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đề xuất 3 giải pháp.

Trước hết, cần kiên quyết thu hồi khoản kinh phí sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được những khoản chị bị thanh tra kiểm toán nhà nước yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi.

Có biện pháp, phương thức kiểm kê phân loại, quản lý tập trung, khai thác đưa vào sử dụng các tài sản công, các công trình đầu tư từ vốn nhà nước, trước hết là hạ tầng cơ sở, các công trình công cộng, phúc lợi, văn hóa, thể thao tạo nguồn thu cho nhà nước, hoặc ít ra cũng có nguồn thu để bảo trì, duy tu, nâng cấp công trình khỏi tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước.

Tăng cường kỷ luật ngân sách, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và quyết định phân bổ ngân sách trung ương thì nghị quyết của Quốc hội phải là luật pháp.

“Mọi điều chỉnh dù nhỏ cũng phải trình Quốc hội, mọi vi phạm dù nhỏ, không có giải trình thỏa đáng đều không được Quốc hội phê chuẩn. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật thu chi, rõ sai phạm trong thực hiện và quản lý ngân sách”, đại biểu Nguyễn Minh Sơn nói.

Cơ cấu lại nền tài chính quốc gia

Về thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch tài chính 3 năm 2019 – 2021, ngoài các giải pháp Chính phủ nêu trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị cần nghiên cứu bổ sung 5 giải pháp.

Một là, cần nghiên cứu, sớm ban hành Luật Tài chính Nhà nước, Luật Tài chính công, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động tài chính nhà nước, trong đó có ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và toàn bộ hoạt động tín dụng nhà nước. Ban hành các chính sách tài chính quốc gia, trong đó tập trung chính sách tài chính dân cư, chính sách tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân.

Hai là, cơ cấu lại nền tài chính quốc gia theo hướng tăng quy mô và tỷ trọng tài chính doanh nghiệp, tài chính dân cư.

Ba là, hoàn thiện chính sách, cơ cấu cơ chế thu, mở rộng và bao quát các nguồn thu, đánh giá lại các chính sách ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cơ cấu lại các khoản chi, tăng cường quản lý chi.

Bốn là, đánh giá và đổi mới phân cấp ngân sách nhà nước, phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, quan tâm phát triển và sử dụng có hiệu quả thị trường tài chính, tăng nguồn vốn từ thị trường tài chính cho sản xuất kinh doanh.

Năm là, cần sớm nghiên cứu, xây dựng, triển khai thí điểm phát triển các công cụ tài chính, ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra nhằm chia sẻ rủi ro, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước như bảo hiểm rủi ro thiên tai, trái phiếu rủi ro thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu giải trình trước Quốc hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thực hiện đúng trình tự, thủ tục, "không được phép sai sót"

Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể xin tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, có giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án có tính trọng điểm, liên vùng. 

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Cảng hàng không quốc tế Long Thành Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định đây là hai dự án trọng điểm, được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, "không được phép sai sót khâu nào để vừa bảo đảm thời gian, chất lượng, vừa đúng trình tự, thủ tục".

Cụ thể, sau khi Nghị quyết 52 của Quốc hội được ban hành, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho các bộ ngành, trong đó có Bộ Giao thông vận tải. Sau khi có ý kiến của Chính phủ, Bộ triển khai đấu thầu tư vấn lập dự án. Sau đó mất 2 tháng lựa chọn nhà tư vấn phù hợp.

Tiếp đó, Bộ tiến hành đánh giá tác động môi trường, xây dựng khung giá bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng với các dự án cụ thể; thống nhất với các địa phương về quy mô, các tuyến đi qua. “Công tác này mất nhiều thời gian vì phải thống nhất các đường chung, cầu các tuyến, đường tránh…”, Bộ trưởng cho biết.

Hiện Bộ đã phê duyệt 5 dự án, còn 5 dự án nữa đang trình Chính phủ cho ý kiến, dự kiến đầu tháng 11 sẽ phê duyệt 10 dự án. “Dự án cầu Mỹ Thuận chậm do là dự án lớn nên phải thuê tư vấn thực hiện lập thiết kế kỹ thuật lâu, phấn đấu trong năm 2018 sẽ phê duyệt toàn bộ 11 dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Như vậy, “việc thực hiện dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục; đến thời điểm này cơ bản hoàn thành thiết kế dự án; dự kiến đến năm 2019 hoàn thành bản vẽ thi công dự án, để hai năm 2020 và 2021 tập trung hoàn thành dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Đối với dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng nêu rõ, sau khi Quốc hội thống nhất tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án tiến hành riêng, thì Quốc hội đã có Nghị quyết số 54/2017 giao UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông vận tải thực hiện.

Trong thời gian qua, hai nhiệm vụ được tiến hành song song. Trong đó, UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương hoàn thành Đề án giải phóng mặt bằng trình Chính phủ phê duyệt, sau khi phê duyệt mới bắt đầu kiểm đếm, chi trả. Bộ Giao thông vận tải thực hiện đấu thầu quốc tế xây dựng phương án thiết kế khả thi cho sân bay.

Về tiến độ thực hiện, với công tác giải phóng mặt bằng, tháng 3/2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã trình Chính phủ, sau đó Chính phủ tổ chức thẩm định và góp ý. Tháng 7/2018, UBND tỉnh Đồng Nai trình lần thứ hai. Hiện nay, Hồ sơ đang trình Chính phủ, dự kiến đầu tháng 11 Chính phủ sẽ phê duyệt dự án. Trên cơ sở phê duyệt này, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ căn cứ vào đó kiểm đếm, thực hiện chi trả giải phóng mặt bằng.

Đối với phần nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải, hiện đã tiến hành đấu thầu quốc tế lập dự án giai đoạn 1 cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành từ tháng 1-6/2018. Đến tháng 6/2018 mới chính thức lập dự án, do liên doanh 5 nhà thầu thực hiện khẩn trương (trong đó có 3 nhà thầu Nhật Bản, 2 nhà thầu trong nước). Dự kiến, đến tháng 7/2019 sẽ hoàn thành công tác này, còn tháng 3/2019 sẽ hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án này và tháng 10 sẽ báo cáo với Quốc hội.

Như vậy, với hai dự án này, đến nay đều đang tập trung thực hiện khâu khảo sát, thiết kế, lập dự án. Do vậy, kinh phí được phân bổ nhưng chưa sử dụng được. Trong tháng 11 tới, nếu Chính phủ phê duyệt dự án giải phóng mặt bằng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sẽ sử dụng khoản 23 nghìn tỷ đồng bố trí cho công tác này. UBND tỉnh Đồng Nai sẽ bắt đầu thực hiện công việc của mình.

Đối với kinh phí 55 nghìn tỷ đồng bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tháng 1/2019, sau khi bàn giao mặt bằng cho các địa phương, mỗi địa phương sẽ khẩn trương chọn từng đoạn đơn giản nhất để phê duyệt và thực hiện trước, sử dụng 14 nghìn tỷ đồng đã bố trí. Riêng với trên 27 nghìn tỷ động đầu tư vào 651 km đường cao tốc này, đến tháng 9/2019, sau khi hoàn thành đấu thầu quốc tế, thì mới triển khai giải ngân nguồn vốn được giao. Như vậy, Bộ Giao thông vận tải đã nghiêm túc chấp hành quy trình, thủ tục phân bổ vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định. 

Về triển khai các dự án giao thông liên kết vùng, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT cũng đang triển khai lập đề án kết nối cảng Lạch Huyện, Cái Mép - Thị Vải để hình thành các tuyến đường kết nối nhằm phát huy hiệu quả các cảng này trong phát triển kinh tế xã hội vùng. Đối với sân bay Long Thành cũng sẽ lập quy hoạch để xây dựng các tuyến đường kết nối tổng thể, tránh tình trạng như sân bay Tân Sơn Nhất...
 

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ

Trước đó, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018, dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019; sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, sự phối hợp với trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và dự báo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ thu-chi NSNN với kết quả cao nhất so với một số năm gần đây theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Tổng thu NSNN ước vượt 3%

Về tình hình thu NSNN, theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 3% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, song theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách, dù kết quả thu NSNN ước vượt dự toán, nhưng chưa đạt được một số mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội như: Tỉ lệ huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP, thấp hơn mục tiêu 21% GDP đề ra; nợ đọng thuế còn lớn và có xu hướng tăng so với năm 2017.

Về chi NSNN, Báo cáo của Chính phủ cho thấy, ước thực hiện chi cả năm tăng 2,6% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 4,7% (18,66 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỷ đồng) so với dự toán. Tỉ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN ước đạt 26,78% tổng chi NSNN, cao hơn số thực hiện năm 2017 là 25%, tỉ trọng chi thường xuyên (đã bao gồm cả chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 63,29% tổng chi NSNN, thấp hơn số ước thực hiện năm 2017 (64,68%).

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, về cơ bản, Chính phủ đã điều hành bám sát dự toán, quản lý ngân sách theo hướng ngày càng đề cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hậu kiểm trong việc giao nhiệm vụ chi, kiểm soát chi tập trung một đầu mối, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, đẩy mạnh giao quyền tự chủ trong các lĩnh vực sự nghiệp công lập, thực hiện nâng lương cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, còn một số vấn đề tồn tại.

Cụ thể, việc cơ cấu lại chi NSNN chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỉ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN còn cao. Việc thực hiện một số chính sách an sinh xã hội thiếu đồng bộ, chưa đạt hiệu quả so với mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, việc hướng dẫn về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ, kịp thời, chưa cụ thể nên về cơ bản, việc thực hiện còn chậm. Điều này dẫn đến NSNN vẫn còn phải bao cấp hầu hết chi đầu tư và nhiều khoản chi thường xuyên cho nhiều đơn vị sự nghiệp công lập ở cả Trung ương và địa phương. Việc quản lý nguồn thu từ khai thác tài sản công còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp, thất thoát nguồn lực còn lớn.

Cũng theo đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở một số địa phương còn nặng về hình thức, chưa có chuyển biến thực sự, có nơi còn chưa đúng pháp luật.

Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN

Về cân đối ngân sách, theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, trong phạm vi cho phép.

Nếu so với kết quả của các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỉ trọng nợ công/GDP có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài hơn, lãi suất thấp hơn, tỉ trọng vay trong nước cao hơn là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hằng năm có xu hướng tăng. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ tính toán kỹ lộ trình vay, trả nợ và đặc biệt lưu ý đến những chương trình, dự án mới đã ký kết và đang đàm phán nhưng chưa giải ngân nên chưa tính vào nợ công sẽ là yếu tố tăng nợ công trong thời gian tới.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN

Về các giải pháp để thực hiện dự toán NSNN năm 2019, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỉ lệ huy động vào NSNN.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Chậm nhất đến 30/9 hằng năm phải rà soát các nhiệm vụ chi đầu tư chậm triển khai, chậm giải ngân, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA để cắt giảm dự toán, điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Chính phủ cũng cần tăng cường công tác quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công. Không ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi không cân đối được nguồn để thực hiện. Không nợ chi thực hiện chính sách đã ban hành. Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên

Cũng trong phiên làm việc chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra.

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, thời gian qua, tỉ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỉ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP.

Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, cơ cấu đầu tư các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và các lĩnh vực hạ tầng đã được quan tâm hơn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao.

Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và vốn đầu tư công nói riêng được cải thiện. Hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017, tỉ lệ các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng tăng.

Giải ngân vốn đầu tư công đã từng bước được cải thiện nhờ những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công có sự cải thiện rõ rệt qua các tháng, quý. 

Khắc phục nhiều bất cập

Tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn cũng đã được khắc phục. Tổng số dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là 9.620 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia), chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn trước về số dự án.

Trong đó, số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 65,4%; số dự án chuyển tiếp sang giai đoạn sau khoảng 4,3%; số vốn bố trí bình quân cho một dự án đạt khoảng 35,5 tỷ đồng/1 dự án, tăng 35,8% so với giai đoạn trước.

Thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công từng bước được hệ thống hóa và số hóa, thông qua việc đưa vào vận hành hệ thống quản lý đầu tư công, một số thông tin được công khai hóa, góp phần tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với đầu tư công.

Tình trạng kế hoạch đầu tư công bị cắt khúc cũng đã được khắc phục thông qua việc đổi mới công tác lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công, chuyển từ lập kế hoạch hằng năm sang kết hợp giữa kế hoạch trung hạn và hằng năm.

Khả năng cân đối ngân sách bố trí vốn hằng năm gặp nhiều nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế.

Khả năng cân đối ngân sách Nhà nước để bố trí vốn thực hiện hằng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỉ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu.

Việc hoàn thiện thủ tục và lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn còn nhiều bất cập, nguyên nhân là do lần đầu tiên thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương lúng túng trong triển khai thủ tục và chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu.

Việc phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án còn nhiều hạn chế, do nguồn vốn cân đối hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu, một số bộ, ngành, địa phương sau khi thanh toán nợ đọng, hoàn ứng và bố trí vốn cho các dự án chuyển tiếp, gần như không còn đủ vốn để bố trí vốn cho các dự  án khởi công mới. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tư duy phân bổ dàn trải, phân tán, dự kiến quá nhiều dự án đưa vào danh mục.

Chưa giải quyết được tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng nguồn vốn và nhu cầu về vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương, nhiều dự án cấp bách, trọng điểm, dự án ODA, dự án đến hạn phải trả cho các nhà đầu tư của các bộ, ngành, địa phương chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn do không có nguồn bố trí. Tình trạng mất cân đối giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ngày càng tăng, không bảo đảm mục tiêu ngân sách Trung ương đóng vai trò chủ đạo theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư công cho các bộ, ngành và địa phương đôi khi còn bị chậm và thực hiện nhiều lần trong năm 2015, 2016, tuy nhiên đã có cải thiện đáng kể từ kế hoạch năm 2017. Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm còn vướng nhiều thủ tục hành chính, chưa chủ động, kịp thời.

Sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn hằng năm

Trong 2 năm còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2015-2020, do tốc độ tăng năm sau so với năm trước thấp, nên đã dẫn tới hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019, 2020 của Kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hằng năm.

Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách Trung ương khoảng 237 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đầu tư là một quá trình liên tục, sẽ có một bộ phận hạn mức vốn thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ được chuyển sang giai đoạn 2021-2025 để tiếp tục bố trí kế hoạch hằng năm và thực hiện. Đây là một thực tiễn khách quan, khi các dự án được khởi công vào giai đoạn cuối của chu kỳ trung hạn nhưng có thời gian thực hiện từ 5-8 năm, phù hợp với số liệu đánh giá là có khoảng 412 dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ chuyển tiếp thực hiện và hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025./.

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 657 | lượt tải:3182

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 763 | lượt tải:332

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2494 | lượt tải:281

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2008 | lượt tải:264

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2219 | lượt tải:262
Đường dây nóng
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay20,579
  • Tháng hiện tại294,484
  • Tháng trước:639,542
  • Tổng lượt truy cập15,706,912
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down