Ứng dụng khoa học và công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Thứ ba - 30/07/2019 04:18 1.199 0
Trong thời đại công nghệ 4.0, muốn phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững, cần nhanh chóng áp dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ (KH và CN) vào tất cả các khâu của quy trình sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ðây cũng là xu thế phát triển chung mà nhiều nước đang áp dụng.
Trồng hoa lan công nghệ cao tại Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới, ở xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: ÐĂNG ANH
Trồng hoa lan công nghệ cao tại Công ty cổ phần Hoa nhiệt đới, ở xã Ðông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: ÐĂNG ANH

Những kết quả bước đầu

Dẫn chúng tôi đi khảo sát một số mô hình ứng dụng KH và CN, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mộc Châu (Sơn La) Trần Xuân Thành khẳng định: Chính nhờ áp dụng KH và CN trong sản xuất nông nghiệp, Mộc Châu trở thành một trong những điểm cung cấp sản phẩm nông nghiệp với nhiều thương hiệu được biết đến ở thị trường trong nước, từng bước vươn ra nước ngoài như: cải bắp, súp lơ xanh, cải thảo, cà chua, mận... Toàn huyện đang triển khai hơn 100 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, 55 mô hình ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt Israel; 240 ha sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hơn 30 chuỗi cung ứng nông sản an toàn (đều áp dụng KH và CN từ khâu trồng trọt đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm). Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình đã xây dựng nhà kính, nhà lưới phục vụ sản xuất rau, hoa, giống cây trồng ăn quả, chè an toàn...

Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu của việc đưa công nghệ vào trong tất cả các khâu, từ giống, thức ăn đến thành phẩm. Công ty đã đầu tư nhà máy chế biến thức ăn TMR công nghệ hiện đại, công suất 150 tấn/ngày; ba trang trại chăn nuôi tập trung, khép kín từ khâu chăm sóc đến vắt sữa với quy mô từ 1.000 đến 1.500 con/trang trại... 100% các hộ chăn nuôi bò liên kết sử dụng máy vắt sữa, máy cắt cỏ, đầu tư máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất chăn nuôi. HTX rau an toàn Tự Nhiên nằm trong vùng sản xuất rau an toàn VietGAP có sự tham gia của 39 hộ sản xuất. Ngoài cung cấp cho thị trường địa phương, đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội, như: Metro, Vinmart, BigC… Giám đốc HTX Nguyễn Thị Luyến chia sẻ: Trước đây, chúng tôi chủ yếu tận dụng lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng. Nhưng khi ứng dụng KH và CN, nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chuyên môn, quy trình VietGAP được thiết lập, nên vị thế đã khác xa, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Thời gian gần đây, vùng đồng bằng sông Hồng cũng trở thành điểm sáng trong việc áp dụng KH và CN, giúp chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp hiện đại với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu. Nổi bật là Công ty VinEco (thuộc tập đoàn Vingroup) có 14 nông trường, trang trại với tổng diện tích sản xuất 3.000 ha; 1.000 HTX hợp tác liên kết với hộ nông dân… mỗi tháng tiêu thụ 2.000 tấn nông sản. Bên cạnh việc mở rộng về quy mô sản xuất tại các địa phương, các nông trường VinEco còn đi đầu trong việc đưa công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới vào Việt Nam, như công nghệ trồng trọt của Kubota (Nhật Bản); công nghệ tưới nhỏ giọt và tưới phun mưa của Netafim (Israel); công nghệ sản xuất trong nhà màng của TAP, trồng cây thủy canh bằng kỹ thuật màng mỏng dinh dưỡng NFT, công nghệ trồng cây rau mầm Microgreen…

Nhằm hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Hà Nam đưa chương trình hỗ trợ in tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất và coi đây là một trong những giải pháp quan trọng cần được ưu tiên. Ðến nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam đã hỗ trợ 42 mô hình liên kết sản xuất rau, củ, quả, hoa công nghệ cao có quy mô từ 3 đến 5 ha trở lên và 60 mô hình sản xuất rau, củ, quả, nấm, hoa có quy mô từ 0,2 ha đến dưới 3 ha tại các huyện, thành phố. Ðã có 10 mô hình được cấp chứng nhận sử dụng "nhãn hiệu chứng nhận Hà Nam".

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Nam Ðặng Ðình Thoảng cho biết: Chúng tôi đã đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương chung tay, phối hợp trong công tác chỉ đạo, triển khai, quản lý tốt từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu dùng, đưa chương trình đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu nông sản. Việc thực hiện chương trình này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị sản xuất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng các mô hình liên kết đa dạng giữa các hộ dân, tổ hợp tác và HTX với doanh nghiệp trong việc sản xuất nông sản sạch thông qua ký kết các hợp đồng kinh tế. Ðồng thời, giúp các cơ sở sản xuất nông sản đạt chất lượng cao trong xây dựng thương hiệu sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh. Từ việc thành lập các khu nông nghiệp ƯDCNC, nhiều địa phương trên cả nước đã gặt hái được những thành quả từ nông nghiệp. Ði đầu là tỉnh Lâm Ðồng, khi đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn các sản phẩm chủ lực với 125 chuỗi giá trị, có sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 40 HTX, 42 tổ hợp tác có các hộ tham gia sản xuất. Trong đó, có 68 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm từ sản xuất đến chế biến, đóng gói tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, cà-phê, sữa bò... Tỉnh Lâm Ðồng đang triển khai đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2023 là xây dựng 200 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có 120 chuỗi cấp tỉnh, 80 chuỗi cấp huyện, xã, bảo đảm mỗi xã đều có ít nhất một mô hình liên kết cho sản phẩm chủ lực. Các chuỗi liên kết này có sự tham gia của 32.000 hộ sản xuất, khoảng 150 doanh nghiệp và 50 HTX; lượng nông sản tiêu thụ qua chuỗi đạt 30% sản lượng nông sản chủ lực toàn tỉnh.

Ðể khoa học và công nghệ phát huy vai trò đòn bẩy

Tuy nhiên, kết quả trong phát triển nông nghiệp ƯDCNC tại một số địa phương cho thấy, KH và CN vẫn chưa phát huy vai trò là đòn bẩy trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình ƯDCNC còn nhỏ lẻ. Nhiều sản phẩm nông sản đã xuất khẩu, nhưng chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có lô-gô, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phần lớn các sản phẩm này được bán ra thị trường thế giới dưới dạng nguyên liệu hoặc sử dụng thương hiệu nước ngoài của các nhà nhập khẩu. Ðây là một bất lợi lớn, khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường còn yếu, chưa phát huy được hết giá trị và dư địa của sản phẩm. Sản phẩm chưa được xác định một cách rõ ràng về cách thức tiếp cận thị trường theo hướng định vị về chất lượng, thương hiệu, gắn với quy hoạch vùng sản xuất và các chính sách, giải pháp để tiếp cận, mở rộng và giữ vững thị phần, nâng cao sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngay như ở huyện Mộc Châu (Sơn La), việc ứng dụng KH và CN mới chủ yếu tập trung vào một số khâu: sử dụng giống mới, các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc trừ sâu sinh học. Trong khi, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà kính, nhà lưới chưa được nhân rộng. Việc ứng dụng công nghệ bảo quản mới ít được chú trọng nên phần nào ảnh hưởng đến việc xuất khẩu sản phẩm nông sản. Ðáng chú ý, do vốn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp ƯDCNC tương đối lớn, cho nên chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung một cách đồng bộ. Mặt khác, do chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC trên thị trường dẫn đến hiệu quả đầu tư còn hạn chế; các sản phẩm thiếu thị trường tiêu thụ ổn định. Hiện nay, các cơ sở sản xuất khó tiếp cận các nguồn vốn do tài sản là những công trình sản xuất, như: nhà kính, nhà lưới… lại không được tổ chức tín dụng xác định là tài sản; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… cho nên không ký được giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Nhiều chính sách khuyến khích phát triển công nghệ cao mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ một phần, tỷ lệ đối ứng của doanh nghiệp, HTX, người sản xuất tương đối cao. Hiện nay, việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu, chất lượng nông sản chưa đồng đều, sản phẩm không có thương hiệu… nên mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp.

Ðể KH và CN phát huy vai trò là đòn bẩy trong sản xuất, theo các chuyên gia, cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội, trong đó ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ KH và CN về phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tổ chức KH và CN cần quyết liệt đổi mới trong triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả KH và CN vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân về ƯDCNC trong sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với những tổ chức KH và CN để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng KH và CN. Cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ KH và CN từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn. Sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nông dân nâng cao thu nhập.

Theo TS Phạm Thị Trầm (Viện Ðịa lý nhân văn thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), trong bối cảnh hiện nay, để tạo dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ giấy chứng nhận tiêu chuẩn, cấp mã vùng sản xuất, đồng thời tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất. Tổ chức các diễn đàn, chương trình xúc tiến thương mại và ban hành văn bản hướng dẫn các quy định về điều kiện xuất khẩu. Mặt khác, có các chính sách về thuế để tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm nông nghiệp tiếp cận thị trường. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững có giá trị gia tăng cao, hiện đại hóa, cần có những thay đổi, nhất là trong việc thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất để có "đất" cho nông nghiệp ƯDCNC phát triển.

Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là hướng đi cần thiết để nông sản của Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế. Và hơn hết là chứng minh vai trò của KH và CN trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm theo hướng phát triển bền vững.

 

Tác giả: Xuân Trường và Đào Phương

Nguồn tin: www.nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 737 | lượt tải:3612

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 839 | lượt tải:347

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2650 | lượt tải:291

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 2092 | lượt tải:275

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2256 | lượt tải:265
Đường dây nóng
  • Đang truy cập149
  • Hôm nay17,314
  • Tháng hiện tại325,050
  • Tháng trước:580,744
  • Tổng lượt truy cập16,318,222
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down