Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới, mà đã đến lúc cần phải điều chỉnh và rà soát lại cho phù hợp.
Ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là một Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt đối với tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta trong thời kỳ mới. Đây là giai đoạn Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ thu hút đầu tư sang hợp tác đầu tư, thay vì hiểu hạn hẹp như trước đây là thu hút và sử dụng. FDI đã trở thành bộ phận cấu thành, một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam.
Trao đổi tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, ngay từ những ngày đầu mở cửa, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng tiềm năng lợi thế của họ trong vốn đầu tư, công nghệ, thị trường… và thực tế, các chủ trương của Đảng đã được cụ thể hóa bằng 4 bộ luật quan trọng về đầu tư nước ngoài. Đó là Luật đầu tư nước ngoài năm 1987; Luật đầu tư nước ngoài năm 1996; Luật đầu tư năm 2005 và 2014. Thông qua 4 bộ luật này, Việt Nam đã tạo được cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc thu hút và sử dụng vốn FDI. Nguồn vốn FDI đã trở thành một nguồn vốn quan trọng hỗ trợ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, với vai trò như là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của đất nước. Đồng thời, đóng góp cho việc tăng năng suất và giá trị lao động.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, bên cạnh những mặt tích cực, nguồn vốn FDI cũng có những hạn chế nhất định và đặc biệt đến thời điểm này, sau hơn 30 năm, vị thế của đất nước có nhiều thay đổi. Việt Nam có nhiều cơ hội để lựa chọn và đã đến thời điểm Việt Nam cần ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp, những dự án phù hợp với trình độ, chiến lược phát triển về mặt khoa học, công nghệ… Còn đối với những dự án có rủi ro về môi trường, xã hội thì hoàn toàn không chào mời.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị lần này đã đưa ra những định hướng, chủ trương rất quan trọng để thu hút dòng vốn FDI trong giai đoạn tới nhằm phát huy hết hiệu quả của nguồn vốn này và bên cạnh đó hạn chế những rủi ro mà dòng vốn FDI có thể mang lại. Đặc biệt, điều thay đổi rất quan trọng trong Nghị quyết là dùng từ “hợp tác” chứ không phải là “thu hút và sử dụng” nguồn vốn FDI. Chữ “hợp tác” ở đây đã thể hiện sự bình đẳng và chủ động của Việt Nam trong làm việc với các đối tác nước ngoài và đề cao hơn nữa trách nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ hoạt động ở Việt Nam.
Nghị quyết số 50-NQ/TW cũng đưa ra vấn đề đảm bảo tính kết nối, liên thông giữa đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước là yêu cầu bắt buộc và có những định hướng rất rõ ràng. Bên cạnh khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, mua hàng hóa của doanh nghiệp trong nước, Nghị quyết đã chỉ ra những giải pháp để các doanh nghiệp trong nước kết nối với doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, dần tiến tới tự chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với doanh nghiệp trong nước, chúng ta phải có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó. Đây là biện pháp vừa kéo vừa đẩy, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nghị quyết số 50-NQ/TW khẳng định FDI là một thành phần kinh tế của Việt Nam, bình đẳng với tất cả các thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Với tính chất là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam nên các hoạt động của doanh nghiệp này phải phù hợp với quy trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của Việt Nam. Do vậy, Nghị quyết số 50-NQ/TW cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới như mục tiêu về vốn đăng ký, vốn thực hiện với mức độ vừa phải và đã được tính toán nhằm tránh khu vực vốn FDI lấn át khu vực kinh tế trong nước, chỉ đảm bảo để khu vực FDI tiếp tục thúc đẩy phát triển thành phần kinh tế khác như kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước.
Liên quan đến vấn đề Nghị quyết số 50-NQ/TW đặt mục tiêu giải ngân cao hơn trước, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, tổng mức đầu tư của nguồn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới đặt ở mức khoảng từ 20 - 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đây là mức độ rất vừa phải, bảo đảm tính an ninh của nền kinh tế, bảo đảm sự tự chủ của nền kinh tế đất nước.
Trong thời gian tới, với một loạt chính sách liên quan đến giám sát đầu tư, quản lý đầu tư cũng như sự vào cuộc của các cấp, các ngành sẽ hạn chế được các dự án vốn ảo, lựa chọn được những án hiệu quả nhất, xác đáng nhất để phục vụ trực tiếp cho công cuộc phát triển của Việt Nam. Hiện việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép các dự án là do địa phương thực hiện. Các bộ, ngành là cơ quan xây dựng chính sách. Việc lựa chọn dự án, các bộ, ngành thực hiện vai trò tham mưu, nhưng trách nhiệm chính thuộc về các địa phương, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh.
Nghị quyết 50-NQ/TW nêu rõ, xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; bảo đảm việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, đây là chỉ đạo rất rõ ràng. Bởi thực tế trong hơn 30 năm qua, các dự án FDI chủ yếu phân bổ ở những vùng có thuận lợi về hạ tầng, ví dụ như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, các vùng khác còn hạn chế. Nếu tiếp tục thu hút đầu tư FDI vào các vùng đã quá tải về hạ tầng sẽ dẫn đến hệ lụy lớn. Hiện nay, qua khảo sát cho thấy, một số địa phương như Đồng Nai có sức ép hạ tầng rất cao với gần 40 khu công nghiệp, lượng lao động di cư đến rất đông, chỗ ở, nhà trẻ, cũng như các hạ tầng thiết yếu khác sẽ rất khó khăn và đây không thể là vấn đề giải quyết trong một sớm một chiều. Do vậy, sự phân bổ hợp lý về đầu tư nước ngoài là rất cần thiết.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, các vùng, địa phương nào có hạ tầng phát triển thì nên khuyến khích các dự án có hàm lượng công nghệ cao, thâm dụng trí tuệ hơn. Đối với những địa phương hạ tầng còn khó khăn không chỉ đưa công nghiệp đầu tư nước ngoài mà còn công nghiệp trong nước về vùng nông thôn, để người lao động được làm việc tại quê hương. Điều này cũng được chỉ ra rất rõ tại Nghị quyết số 50-NQ/TW. Nghị quyết không chỉ quy định về FDI mà bao gồm cả hoạt động thúc đẩy sản xuất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước.
Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, dần dần bắt nhịp về mặt khoa học, công nghệ, quản trị… đồng thời cần có những ưu tiên để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước theo đúng quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực vẫn là yếu tố quyết định.
Đối với vấn đề ưu đãi, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, qua đánh giá hơn 30 năm thu hút FDI cho thấy, cơ chế ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp chủ yếu tập trung theo chiều rộng chứ chưa theo chiều sâu. Do vậy, trong thời gian tới cần có những nghiên cứu nhằm thay đổi cách tiếp cận này, chỉ ưu đãi đối với phần giá trị gia tăng mà doanh nghiệp tạo ra trên đất nước Việt Nam, ưu đãi đối với những doanh nghiệp thực sự tạo ra giá trị hiệu quả như giá trị kết nối với doanh nghiệp Việt Nam về khoa học công nghệ,…
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Tổ chức Thương mại và phát triển của Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia trên thế giới sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn FDI. Chỉ số môi trường kinh doanh còn nhiều dư địa để thay đổi và thời gian qua tăng đáng kể. Việt Nam có thể hoàn toàn lạc quan vào những kết quả đổi mới và tiếp tục cố gắng quyết liệt để thay đổi. Nghị quyết số 50-NQ/TW với tên gọi “định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” sẽ là cú hích quan trọng để hoàn thiện, đảm bảo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn nữa không chỉ đối với nhà đầu tư nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước, góp phần khẳng định thứ hạng trong ASEAN về môi trường kinh doanh.
Liên quan đến M&A, nhất là các doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, đây là hình thức đầu tư trên thị trường vốn và được nhà nước công nhận. Hoạt động này rất trong sáng, minh bạch (trừ những trường hợp lợi dụng hoạt động mua bán cổ phần cổ phiếu núp bóng). Các hoạt động M&A hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Việt Nam. Hằng năm, có nhiều Diễn đàn M&A được tổ chức với quy mô rất lớn để tìm cách huy động nguồn vốn từ thị trường, bổ sung vốn cho các hoạt động đầu tư.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước, hiện chúng ta đang tích cực thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bất kể nhà đầu tư tư nhân trong nước hay nước ngoài đều có quyền tham gia mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn, đảm bảo đúng khung khổ pháp luật quy định.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Nghị quyết số 50-NQ/TW đề ra mục tiêu xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hoà với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao, do vậy việc quan trọng nhất là cụ thể hóa các quan điểm, chỉ đạo của Đảng vào các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, về cơ bản những nội dung của Nghị quyết này đã được tích hợp vào các dự án luật mới, dự án luật sửa đổi do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng như Luật đầu tư (sửa đổi), Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP),… và sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Tất cả các luật này hiện nay trong quá trình sửa đổi, tích hợp toàn bộ các ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, từ việc định hướng xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư cũng đã được tích hợp. Với Nghị quyết quan trọng của Đảng, phù hợp với tình hình kinh tế mới và được cụ thể hóa bằng các bộ luật một cách nhanh chóng, chắc chắn môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện và tạo ra những chuyển biến tốt trong thời gian tới./.
Tác giả: Tùng Linh
Nguồn tin: www.mpi.gov.vn
Ý kiến bạn đọc