Những nhận định trên được phát biểu tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2017 và triển vọng 2018: Vững bước cải cách, ngày 25/1/2018.
Cải cách thể chế: Động lực tăng trưởng 2017
Nghiên cứu của CIEM cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế và tốc độ tăng TFP được thúc đẩy nhờ cải cách thể chế kinh tế. Chẳng hạn, nếu chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tăng 1%, thì tốc độ tăng TFP có thể tăng thêm 1,41 điểm phần trăm.
“Trong chừng mực ấy, quá thận trọng về con số tăng trưởng sẽ dẫn tới sự ghi nhận không đúng mức về nỗ lực cải cách thể chế kinh tế”, báo cáo của CIEM chỉ rõ.
Theo đó, không ghi nhận đúng mức có thể lại làm giảm động lực cho cải cách thể chế kinh tế trong tương lai - vốn vẫn còn rất nhiều dư địa.
Nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh ở Việt Nam
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho biết, trong năm 2017, các tổ chức quốc tế ghi nhận nhiều cải thiện về môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Ba bộ chỉ số quan trọng ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đều tăng điểm và tăng hạng.
Năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế). Kết quả này đạt được bởi 5/12 chỉ số trụ cột tăng điểm, 6/12 chỉ số trụ cột tăng bậc. Đa số trụ cột về hiệu quả thị trường (như thị trường tài chính, lao động, công nghệ và quy mô thị trường) đã có sự cải thiện.
Môi trường kinh doanh đạt thứ hạng 68/190, tăng 14 bậc so với năm 2016. Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua. Nếu tính hai năm liêp tiếp thì môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 23 bậc (Bảng 11). Kết quả tích cực này đạt được bởi 8/10 chỉ số tăng điểm (không có chỉ số nào giảm điểm), 6/10 chỉ số tăng bậc. Trong đó, nộp thuế và bảo hiểm xã hội(tăng 61 bậc) và Tiếp cận điện năng (tăng 32 bậc) là 2 chỉ số đóng góp đáng kể nhất vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127. Đây cũng là thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được từ trước cho đến nay.
Trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên xếp thứ nhất (từ vị trí số 3 năm 2016). Trong ASEAN, Việt Nam vươn lên và đứng trên Thái Lan (vị trí 51). Sự cải thiện này chủ yếu đạt được nhờ việc cập nhật kịp thời dữ liệu cho Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới.
Trong năm 2017, 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập - gồm Moondy’s, Standards and Poor’s và Fitch - đã tiến hành đánh giá mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam năm 2016. Đến nay, 2 trong 3 tổ chức (gồm Moondy’s và Fitch) đã công bố nâng xếp hạng về triển vọng của Việt Nam từ mức ổn định lên mức tích cực.
Trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ tuy có sự cải thiện, nhưng tốc độ chậm
Thực tế còn tồn tại nhiều rào cản
Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng, những chuyển biến trên còn thiếu tính bền vững. Thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về môi trường kinh doanh, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Chính phủ đề ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế tốt và đáp ứng yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do, song vẫn còn có các nội dung, lĩnh vực của môi trường kinh doanh trong nhiều năm chưa có cải cách nào hoặc có cải cách nhưng chậm và cách xa so với các nước trong khu vực.
Đó là hiệu quả thị trường hàng hoá nhiều năm chưa có sự cải thiện, suy giảm ở hầu hết các chỉ số thành phần. Đáng chú ý là mức độ cạnh tranh (hiệu lực của chính sách chống độc quyền kém, môi trường kinh doanh không thuận lợi) và chất lượng các điều kiện cầu giảm.
Chất lượng cơ sở hạ tầng, giáo dục ít được cải thiện; Trình độ phát triển kinh doanh và đổi mới công nghệ tuy có sự cải thiện, nhưng tốc độ chậm.
Trụ cột về thể chế (ảnh hưởng quan trọng tới môi trường kinh doanh) tuy có sự cải thiện, nhưng chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu về dỡ bỏ rào cản đối với doanh nghiệp.
Bà Thảo cho biết, một số chỉ số về Môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới vẫn nằm cuối bảng xếp hạng (như Khởi sự kinh doanh - thứ 123; Giải quyết phá sản doanh nghiệp – thứ 129). Đáng chú ý là chỉ số Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nhiều năm nay không có cải cách và cải thiện nào.
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 6 về xếp hạng năng lực cạnh tranh, và thứ 5 về xếp hạng môi trường kinh doanh. Những năm gần đây (kể cả năm 2017), Indonesia, Brunei và Thái Lan liên tục có mức cải thiện nhanh và mạnh mẽ hơn Việt Nam. Cụ thể là: Thái Lan tăng 20 bậc; Indonesia tăng 19 bậc; Brunei tăng 16 bậc.
“Với đà cải cách mạnh mẽ của các nước trong khu vực thì mục tiêu Việt Nam đạt mức độ trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ trở nên thách thức và đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm và nỗ lực nhiều hơn”, bà Thảo lo lắng.
Cần phải làm gì?
Theo bà Thảo và các chuyên gia của CIEM, động lực cho các cải cách đã có. Ghi nhận các chuyển biến ban đầu là cần thiết. Khung chính sách về tái cơ cấu kinh tế, xử lý tương tác Nhà nước - thị trường, và phát triển kinh tế tư nhân bước đầu đã được cập nhật.
Tuy nhiên, tự bằng lòng với những kết quả cải cách vừa qua sẽ làm giảm, thậm chí đảo ngược sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp.
Xác định các thủ tục và chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa nếu thiếu hành động thực chất và kịp thời để giảmđáng kể các thủ tục, chi phí ấy.
“Chính ở đây, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư chỉ được củng cố và chuyển biến thành hành động nếu Chính phủ các cấp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để tiếp tục cụ thể hóa cải cách nền tảng kinh tế vi mô, thông qua những hành xử và chính sách thân thiện với thị trường hơn”, bà Thảo nói.
Đồng tình với quan điểm trên, nguyên Viện trưởng CIEM, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí không chính thức cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, cần thúc đẩy nền kinh tế thị trường và khuyến khích khu vực doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là một trong những việc cần tập trung trong năm 2018.
Vì thực tế, năm 2017, rất nhiều Bộ ngành, địa phương đã đưa ra những văn bản liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho khu vực doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, để những văn bản này áp dụng vào thực tiễn, cần có một hành động xuyên suốt, liên tục, có như vậy mới củng cố được niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh./.
Tác giả: Trí Dũng
Nguồn tin: kinhtevadubao.vn
Ý kiến bạn đọc