(MPI) - Tại Nghị quyết số 131/NQ-CP ngày 06/12/2017 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2017, Chính phủ đã thông qua các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật này.
Xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam
Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, trong đó có Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp. Các đạo luật này đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.
Đặc biệt, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp đã bãi bỏ các yêu cầu, điều kiện tại thời điểm thành lập doanh nghiệp, góp phần đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được, thực tiễn hơn hai năm thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các luật này bởi những lý do như: Một là, theo quy định tại Điều 8 Luật Đầu tư, Quốc hội giao Chính phủ, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, tiến hành rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các Điều 6, 7 của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Do vậy, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp.
Hai là, Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp có quy mô và mức độ cải cách lớn liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành với những cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các Luật này với các luật có liên quan.
Thực tế cho thấy, Luật đầu tư công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở và một số luật chuyên ngành khác…cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Ba là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi.
Tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp được xây dựng nhằm mục tiêu tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.
Theo đó, hoàn thiện các quy định của Luật đầu tư về cơ chế kiểm soát ban hành quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời tiếp tục cắt giảm ngành, nghề và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm.
Đồng thời, tiếp tục giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là những vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về triển khai dự án đầu tư và cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, dự thảo Luật tập trung vào các nhóm chính sách về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật và điều ước quốc tế có liên quan; Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh; Về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và bảo đảm đầu tư; Về thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; Về hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài; Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp.
Qua đó, nhằm mục tiêu bảo đảm tính minh bạch, khả thi và thống nhất của hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh. Nâng cao tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc áp dụng các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cũng như bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm. Đồng thời, tiếp tục cắt giảm một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, thiếu tính khả thi nhằm xóa bỏ rào cản gia nhập thị trường, giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Nâng cao tính minh bạch, khả thi trong hoạt động quản trị doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp…./.
Tác giả: Tùng Linh -Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc