Tại Hội thảo, đưa ra một số vấn đề về việc doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngành công nghiệp sử dụng năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh, ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, qua điều tra thực trạng sử dụng năng lượng tại các DNNVV và hộ kinh doanh cho thấy, số DNNVV và hộ kinh doanh trong ngành công nghiệp, lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng nhất đang chiếm khoảng 16,5 - 17%, ngành công nghiệp sử dụng 23,5 triệu tấn dầu, chiếm 43% tổng năng lượng tiêu thụ. DNNVV nhận thức khá cao về tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả năng lượng. Các doanh nghiệp đã nỗ lực trong đổi mới máy móc, công nghệ sản phẩm, tích cực triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng theo yêu cầu/vì mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ năng lượng của DNNVV chưa cao, 75% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo tại Hà Nội được điều tra cho rằng, mức tiêu thụ năng lượng của doanh nghiệp lớn hơn mức trung bình của thế giới. Phần lớn do sử dụng các công nghệ cũ, năm 2015 chỉ có 14% số doanh nghiệp trong ngành chế biến, chế tạo được điều tra có công nghệ dưới 3 năm, 53% số doanh nghiệp có công nghệ từ 6 năm trở lên. Các công nghệ phần lớn không được kiểm toán, không báo cáo sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trừ một số doanh nghiệp quy mô lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của sử dụng năng lượng hiệu quả còn khá cao.
Một số kết quả đạt được trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại DNNVV như: Đã thực hiện hỗ trợ kiểm toán năng lượng cho DNNVV ở một số địa phương, thí điểm xây dựng một số mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hỗ trợ xây dựng báo cáo sử dụng năng lượng; Đối với lĩnh vực ngành, nghề cụ thể, đã hỗ trợ một số ngành đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng năng lượng; Hỗ trợ tư vấn giải pháp tiết kiệm; Hỗ trợ kiểm toán năng lượng, từ đó góp phần tiết kiệm được chi phí về năng lượng và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả còn cao, mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp vẫn cao, cơ cấu sản phẩm chậm thay đổi, đặc biệt là theo hướng giảm mức năng lượng trên sản phẩm. Cùng với đó, việc phát triển nguồn năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo tại các DNNVV còn tự phát và rất hạn chế.
Theo ông Trịnh Đức Chiều, để khuyến khích DNNVV ngành công nghiệp phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, cần hoàn thiện khung pháp luật về năng lượng, đặc biệt khung pháp luật và chính sách khuyến khích, hỗ trợ sử dụng năng lượng hiệu quả. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững, Chương trình nghị sự 2030. Đánh giá và lựa chọn những chỉ tiêu phù hợp có thể đo lường và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Hoàn thiện khung pháp luật và cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DNNVV tự phát triển nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất kinh doanh của mình. Đồng thời, tăng cường giám sát, đánh giá việc thực thi các quy định, xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin về năng lượng ở cả phía cung và phía cầu. Hình thành một cơ sở dữ liệu thống kê hoàn chỉnh với các thông tin cụ thể làm cơ sở cho việc phân tích, đánh giá và đưa ra các chính sách phù hợp.
Bên cạnh đó, sử dụng hiệu quả các đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tối ưu hóa sử dụng năng lượng, nhanh chóng thực hiện các giải pháp nhằm tiến tới thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt trong thị trường bán lẻ, tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng bền vững… cũng là những giải pháp quan trọng.
Trình bày về một số nội dung cơ bản liên quan đến xây dựng, đo lường các chỉ tiêu tăng trưởng xanh trong dự thảo Hệ thống chỉ tiêu thống kê về phát triển bền vững Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ thống kê và Công nghệ thông tin, Tổng cục Thống kê cho biết, kết quả rà soát 232 chỉ tiêu thống kê trong Khung giám sát toàn cầu cho thấy, có 97 chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh, 30 chỉ tiêu liên quan đến môi trường. Trong kết quả rà soát 97 chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh có 56 chỉ tiêu khả thi, 41 chỉ tiêu khó áp dụng ở Việt Nam và các chỉ tiêu liên quan đến 16 Bộ, ngành.
Việc xây dựng các Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam được căn cứ theo Luật thống kê và các văn bản liên quan, Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, phải đảm bảo nguyên tắc khả thi, phù hợp, đồng bộ, thống nhất và nguyên tắc lựa chọn chỉ tiêu.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp hợp tác đầu tư cho hiệu quả năng lượng tại các DNNVV, vấn đề tiêu dùng năng lượng và hỗ trợ thực hiện giải pháp công nghệ trong doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và giải pháp các-bon thấp trong lò hơi và hệ thống hơi trong công nghiệp, đưa ra ý kiến về mối liên hệ giữa chỉ tiêu và điều hành trong thực tiễn, lộ trình thực hiện các chỉ tiêu.../.
Tác giả: Thúy Quyên -Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ý kiến bạn đọc