Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho DN

Thứ năm - 23/11/2017 02:57 249 0
(Chinhphu.vn) - Ngày 22/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công Thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”. Tại tọa đàm, những vấn đề liên quan đến Quyết định số 3610a/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ giai đoạn 2017-2018 được làm rõ thêm.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 20/9/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT ban hành phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017-2018.

Theo Quyết định này, dự kiến có khoảng 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh được cắt giảm. Đây là con số được cho là lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công thương được các đơn vị thuộc Bộ đề nghị cắt giảm, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

Tuy nhiên, 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm ấy cụ thể là những điều nào, thuộc lĩnh vực nào? Lộ trình cắt giảm ra sao và sau cắt giảm có bổ sung thêm tiêu chuẩn hay quy chuẩn nào cho từng lĩnh vực không?

Để trả lời những vấn đề trên, ngày 22/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Cắt giảm điều kiện kinh doanh tại Bộ Công thương: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Khách mời tọa đàm: Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương.

Dưới đây là nội dung Tọa đàm:

Thưa ông Trần Quốc Khánh, theo chúng tôi được biết đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công Thương thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh. Ông có thể chia sẻ cụ thể về quá trình thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh của Bộ từ trước đến nay và đặc biệt là lần cắt giảm này?

Ông Trần Quốc Khánh: Cắt giảm, hợp lý hóa, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh đã được Bộ Công Thương triển khai ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới. Cụ thể, từ tháng 7/2016, khi hướng dẫn Luật Đầu tư mới, chúng tôi đã chủ động xóa bỏ 3 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tái nhập, tái xuất. Đến tháng 12/2016, Bộ đã đưa ra phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trong năm 2017. Trong phương án này, chúng tôi đã yêu cầu giảm bớt 22 điều kiện kinh doanh trong một số lĩnh vực do ngành công thương quản lý. Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 8 Nghị định có liên quan đến một số ngành nghề kinh doanh như kinh doanh hóa chất, kinh doanh khí hóa lỏng... Trong đó, có chút ý đến giảm bớt điều kiện kinh doanh, quyết định ngày 20/9 vừa qua của Bộ trưởng Bộ Công Thương là bước tiếp theo trong cả tiến trình này. Bộ đã quyết định cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực do Bộ quản lý, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh đã thống kê được do ngành công thương quản lý.

675 điều kiện kinh doanh là một con số không hề nhỏ. Vậy những điều kiện kinh doanh dự kiến được cắt bỏ lần này dựa trên những tiêu chí nào thưa ông?

Ông Trần Quốc Khánh: Trong quyết định ngày 20/9, chúng tôi đã nêu rõ, có 5 tiêu chí. Tiêu chí đầu tiên, xây dựng điều kiện kinh doanh thì cố gắng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Thứ hai, trong quá trình xây dựng điều kiện kinh doanh phải lưu ý đến các cam kết quốc tế của Việt Nam, bởi cam kết của Việt Nam có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước và điều kiện với các nhà đầu tư nước ngoài có thể có khác biệt với các nhà đầu tư trong nước. Thứ ba, nếu tiếp tục duy trì điều kiện kinh doanh thì các điều kiện đó phải đáp ứng tiêu chí Điều 7 Luật Đầu tư 2014. Thứ tư, cắt giảm hợp lý hóa, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh như vậy thì lưu ý đến tính khả thi cũng như nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, tức là không phiêu lưu mà cũng không cắt giảm để lấy tiếng mà chú ý đến tính khả thi của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh đó. Cuối cùng là cắt giảm điều kiện kinh doanh gắn với cải cách thủ tục hành chính, chứ không phải cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng những thủ tục còn lại lại quá phức tạp, dẫn đến vô hiệu hóa lợi ích của việc cắt giảm. Dựa trên 5 tiêu chí đó chúng tôi xem xét cắt giảm điều kiện kinh doanh của ngành.

Thưa ông Nguyễn Đình Cung, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các điều kiện kinh doanh mà Bộ Công Thương sẽ thực hiện cắt giảm lần này?

Ông Nguyễn Đình Cung: Chúng tôi theo dõi việc cải thiện môi trường kinh doanh trong đó cắt giảm điều kiện kinh doanh như là một giải pháp để thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh. Lâu nay, quy định về cắt giảm điều kiện kinh doanh là vấn đề nhức nhối, nó làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường, triệt tiêu những sáng kiến trong hoạt động kinh doanh, làm giảm quy mô và sức cạnh tranh trong thị trường, từ đó, nó làm hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Có rất nhiều vướng mắc trong ngành Công Thương nhiều năm trước không giải quyết được mà kỳ này đã giải quyết nhanh chóng. Từ xưa tôi chưa thấy bộ nào củ động tự nguyện cắt giảm điều kiện kinh doanh. Thứ hai là quy mô, mức độ, số lượng cắt giảm, giảm số lượng lớn và giải đều các ngành mà Bộ Công thương quản lý. Thứ ba là tính quyết liệt, tính hệ thống và có tiêu chí như anh Khánh đã nêu. Chúng tôi kỳ vọng nhiều hơn nữa, đặc biệt là những điều kiện làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường và làm giảm số lượng tiềm năng của doanh nghiệp kinh doanh ở trong ngành đó, bởi giảm số lượng tiềm năng là giảm mức độ cạnh tranh, mà trong kinh tế thị trường, cạnh tranh mang tính quyết định. Chúng tôi muốn cạnh tranh nhiều hơn nữa trong nền kinh tế Việt Nam, mức độ cạnh tranh càng cao thị trường hoạt động càng tốt, lúc đó hiệu quả của nền kinh tế sẽ gia tăng và tạo ra sự bình đẳng trong kinh doanh, không ai bị để lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thưa ông Trần Quốc Khánh, 675 điều kiện kinh doanh được cắt giảm lần này sẽ tập trung chủ yếu vào những nhóm ngành hay lĩnh vực nào?

Ông Trần Quốc Khánh: Quyết định 3610a về cắt giảm điều kiện kinh doanh đã động chạm đến khoảng 16 ngành nghề được quy định tại phụ lục 4 Luật Đầu tư 2014. Trong đó có rất nhiều ngành nghề được xã hội hết sức quan tâm trong thời gian vừa qua như kinh doanh xăng dầu, kinh doanh khí hóa lỏng, kinh doanh hóa chất, kinh doanh rượu, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh logistic, kinh doanh dịch vụ giám định thương mại...

Trong lần cắt giảm lần này, lĩnh vực xăng dầu có sự điều chỉnh khá rõ nét về điều kiện đối với thương nhân kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu, và chúng ta bãi bỏ không yêu cầu doanh nghiệp sau 3 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu phải sở hữu hoặc đồng sở hữu với số vốn góp tối thiểu 51% đối với các phương tiện vận tải xăng dầu nội địa, thưa ông ý nghĩa của việc này sẽ tác động ra sao đối với doanh nghiệp? Bên cạnh đó Khoản 6 Điều 7 của Nghị định 83/2014-NĐ-CP cũng được bỏ, ông bình luận vấn đề này thế nào?

Ông Nguyễn Đình Cung: Thị trường xăng dầu là thị trường tương đối đặc biệt. Xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng với nền kinh tế quốc gia, nó là đầu vào cho rất nhiều ngành sản xuất, cho giao thông vận tải. Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho đất nước, mấy chục năm qua, chúng ta đã duy trì nhập khẩu, phân phối xăng dầu trong nước dưới sự chỉ đạo hết sức chặt chẽ của Chính phủ, cũng như Bộ Thương mại trước đây, bây giờ là Bộ Công Thương. Tuy nhiên, hiện nay xã hội đã rất phát triển, nếu chúng ta có thể đưa thêm các doanh nghiệp vào thị trường xăng dầu làm tăng tính cạnh tranh của thị trường thì giá thành và việc cung ứng xăng dầu và giá cả sẽ được cải thiện hơn so với thời gian trước đây. Chính vì lý do đó, chúng tôi cân nhắc trên cả hai phương diện, một là vẫn bảo đảm quản lý nhà nước, bảo đảm cung ứng mặt hàng rất quan trọng này, bên cạnh đó làm thế nào để thị trường xăng dầu có tính cạnh tranh hơn. Chính vì vậy, cần phải cân nhắc, xóa bỏ các điều kiện và hợp lý hóa một số điều kiện khác.

Khi mà mình giảm các điều kiện như thế thì khả năng là yêu cầu vốn đầu tư ban đầu của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp có thể phải đi thuê kho bãi hay máy móc thiết bị. Như vậy, sẽ lại xuất hiện một hình thức kinh doanh mới là cho thuê, như thế sẽ giảm chi phí gia nhập thị trường, đồng thời chia sẻ rủi ro kinh doanh. Nếu đầu tư hết như thế, đến lúc thị trường thay đổi thì anh thất bại, và gần như là mất hết; còn nếu như là chia sẻ rủi ro như vậy tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh và nhiều người đầu tư như vậy thì khi mà có biến động thì mất cũng mất ít hơn và khi mất ít hơn như vậy thì khi quay lại đầu tư kinh doanh sẽ nhanh chóng hơn. Và muốn như vậy thì khi mà chi phí gia nhập thị trường giảm đi, chi phí kinh doanh giảm đi thì giá cả mặt hàng sẽ giảm xuống kỳ vọng là như thế, mà như vậy, nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều.

675 là con số đã được rà soát kỹ lưỡng hay chưa thưa ông Trần Quốc Khánh? Vì theo nhiều ý kiến phản ánh rằng trong số 675 điều kiện kinh doanh đó có không ít điều kiện bị trùng lắp?

Ông Trần Quốc Khánh: Lần cắt giảm này Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã cho thành lập Tổ công tác về cải cách hành chính của Bộ, thành viên gồm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và một loạt thủ trưởng các đơn vị có liên quan.

Tổ công tác đã hệ thống hóa, rà soát từng điều kiện trên cơ sở năm tiêu chí, sau đó thảo luận và thống nhất báo cáo Bộ trưởng ký quyết định ban hành.

675 điều kiện ban hành nhiều hơn dự kiến ban đầu (khoảng 600-610 điều kiện). Dư luận khá bất ngờ trước quyết định này của Bộ Công Thương, họ đọc rất kỹ và xem Bộ nói vậy nhưng có thực sự như vậy không?

Thực tế trong quá trình đó họ đã phát hiện ra có 18 điều kiện đã thông báo xóa bỏ rồi, nhưng vẫn xuất hiện trong phụ lục kèm theo Quyết định.

Chúng tôi khẳng định, đây là lỗi của anh em trong quá trình in ấn lấy bản cũ kèm vào chứ không phải bản mới. Chúng tôi khẳng định các điều kiện tuyên bố bãi bỏ chắc chắn sẽ bãi bỏ.

Ông Nguyễn Đình Cung: Ở đây tôi nói thêm, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát. Tôi yêu cầu anh em rà soát rất kỹ. Tôi nghĩ rằng cần rất nhiều người rà soát để bảo đảm việc làm đó thực chất. Không phải rà soát, giám sát một lần mà phải thường xuyên.

Năm 2000 chúng ta đã cắt giảm 140 điều kiện kinh doanh, nhưng sau đó số lượng điều kiện kinh doanh mọc lại nhiều hơn. Thưa ông Nguyễn Đình Cung, theo ông làm sao chúng ta ngăn chặn được tái mọc các điều kiện kinh doanh sau khi chúng ta cắt giảm?

Ông Nguyễn Đình Cung: Đây là câu hỏi cực kỳ khó, tôi làm lĩnh vực này từ năm 1999, những giấy phép, điều kiện kinh doanh của các năm 2000, 2001, 2002, 2003 bãi bỏ tương đối nhiều so với thời điểm đó. Ngày đó, ngành GTVT bỏ gần như hết các điều kiện kinh doanh (ngày 3/2), Quyết định 109 bãi bỏ gần hết về giấy phép kinh doanh của ngành GTVT, nhưng sau đó khôi phục hết lại và mọc thêm nhiều điều kiện kinh doanh khác. Tương tự có một số lĩnh vực khác cũng như vậy, suốt cả quá trình tôi suy nghĩ làm thế nào để hạn chế được việc mọc tiếp các điều kiện kinh doanh.

Đầu tiên tôi quan sát thấy, một điều kiện không nhỏ là cần thay đổi tư duy và cách thức quản lý. Nếu cách thức quản lý chúng ta đặt ra những điều kiện để tiền kiểm thì không bao giờ hạn chế được các điều kiện kinh doanh, bởi đó là nhu cầu quản lý, xuất hiện hoạt động kinh doanh mới là có nhu cầu quản lý. Vì phương thức tư duy đang là nhấn mạnh tiền kiểm nên lúc nào anh cũng nghĩ đến điều kiện kinh doanh, khi anh bỏ đi mà anh không có phương thức quản lý mới thì sẽ xảy ra nhiều chuyện, dư luận lại đặt câu hỏi cơ quan quản lý ở đâu, đây là điều kiện tiên quyết phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý Nhà nước.

Ông Trần Quốc Khánh: Câu chuyện xóa bỏ điều kiện kinh doanh là thay đổi tư duy quản lý. Thay vì anh đưa ra một hệ điều kiện sau đó người dân và doanh nghiệp đến chứng minh là chúng tôi đã đáp ứng được hệ điều kiện đó anh mới cấp cho người ta giấy phép kinh doanh, bỏ tư duy đó đi, chúng ta sẽ quy định một loạt tiêu chuẩn. Nếu anh kinh doanh trong lĩnh vực này anh phải tuân thủ tiêu chuẩn này, tôi sẽ đến kiểm tra anh đột suất, nếu không đáp ứng anh sẽ phải khắc phục, nặng hơn là tạm dừng kinh doanh để anh  khắc phục đáp ứng tiêu chuẩn chúng tôi đề ra.

Tư duy đó sẽ giúp cho việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh nhiều hơn ổn định và bền vững, không tái mọc trở lại, nhưng điều ông Cung vừa nói khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, dư luận lập tức đặt câu hỏi Bộ X, Bộ Y… ở đâu để xảy ra câu chuyện đó, chúng tôi xin khẳng định nên nhìn trên một cách thức khác. Các cơ quan quản lý Trung ương trên thực tế không thể đủ người để quản lý 63 tỉnh, thành phố, họ chỉ đưa ra các quy định quản lý, còn chính quyền địa phương phải là nơi thực thi quy định quản lý đó. Đôi khi chúng ta thay đổi cách nhìn của dư luận đối với một số vấn đề sẽ hỗ trợ nhiều cho cơ quan quản lý Nhà nước trong  vấn đề từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Liệu những điều kiện này sẽ được cắt triệt để hay nó sẽ tạo điều kiện cho những điều kiện khác tương tự mọc lên sau đó, thưa ông? Bộ Công Thương đã có những chuẩn bị gì để tránh việc mọc lại các điều kiện kinh doanh khác?

Ông Trần Quốc Khánh: Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh được Bộ Công Thương bắt tay ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới (7/2016) thể hiện một tư duy xuyên suốt của Bộ Công Thương trong hơn 1 năm qua. Như vậy sẽ khó có thể có tư duy mâu thuẫn với chính mình, cắt đi rồi lại tái lập.

Thứ hai, 1 trong 5 nguyên tắc chúng tôi đề ra cho việc cắt giảm cũng như duy trì các điều kiện kinh doanh tức là phải tuân thủ các quy định, tiêu chí, đó cũng là yếu tố cản trở việc tái lập các điều kiện kinh doanh đã bị cắt giảm.

Quan trọng nhất, tại phiên họp Chính phủ tháng 10/2017, Chính phủ đã giao bộ Kế hoạch Đầu tư soạn văn bản Quy phạm pháp luật về rà soát các điều kiện kinh doanh để nâng cao chất lượng các điều kiện kinh doanh. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ văn bản này tháng 12 và được ban hành, thì các bộ ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc thực thi, tôi tin rằng các điều kiện kinh doanh không hợp lý sẽ khó có cơ hội tái lập.

Theo chúng tôi được biết thì sau khi bãi bỏ các điều kiện kinh doanh này, Bộ sẽ xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật để đưa vào áp dụng. Hay nói cách khác, đây liệu có phải một sự chuyển đổi. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Trần Quốc Khánh: Như tôi vừa trình bày, cái này là tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Ví dụ trong ngành thực phẩm, ngành chiếm nhiều điều kiện kinh doanh nhất do Bộ Công Thương quản lý, trước đây chúng tôi đặt ra một loạt điều kiện an toàn thực phẩm, ví dụ cơ sở phải có vị trí, độ sạch sẽ ra sao, sau đó người dân và doanh nghiệp phải đến chứng minh, thậm chí mời đoàn kiểm tra đến kiểm tra, sau đó cấp cho doanh nghiệp một Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Hiện chúng ta có hàng trăm cơ sở kinh doanh như vậy trên cả nước, nếu làm như vậy chi phí tuân thủ điều kiện kinh doanh rất cao, sau khi rà soát, chúng tôi bỏ bớt điều kiện chung chung, không hợp lý, các điều kiện còn lại chuyển sang hướng hậu kiểm. Từ nay trở đi sẽ quy định tiêu chuẩn của một số cơ sở kinh doanh thực phẩm đó phải như thế nào, người dân, doanh nghiệp tự căn cứ tiêu chuẩn và quy chuẩn để họ thực hiện trong hoạt động kinh doanh và chúng ta hậu kiểm, sẽ kiểm tra đột xuất. Làm như vậy vừa bảo đảm quản  lý nhà nước, chi phí để tuân thủ các quy định của Nhà nước ở mức thấp nhất có thể được cho người dân và doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ những chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, ông có nhận định như thế nào về việc xây dựng các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật này, thưa ông Nguyễn Đình Cung?

Ông Nguyễn Đình Cung: Từ năm 2007, quy chuẩn, tiêu chuẩn là một nguyên tắc không thể thiếu trong kinh tế thị trường, như thế mình huy động được toàn xã hội thực hiện giám sát chứ không phải duy nhất Nhà nước, khi anh đã ban hành được quy chuẩn nghĩa là bắt buộc anh phải tuân thủ theo quy chuẩn đó. Doanh nghiệp cần phải có chứng nhận quy chuẩn đó, Nhà nước không nhất thiết phải đứng ra xác nhận quy chuẩn đó, khi đó có rất nhiều cơ quan chuyên môn dịch vụ được Nhà nước thừa nhận làm việc này.

Khi doanh nghiệp được chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn như vậy người tiêu dùng sẽ tin, từ đó doanh nghiệp xây dựng hình ảnh. Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn đối với từng sản phẩm do doanh nghiệp quy định, xác định và được công bố dựa trên quy định của Nhà nước, như vậy một sản phẩm có thể có hàng trăm tiêu chuẩn, các doanh nghiệp khác nhau có tiêu chuẩn khác nhau, như vậy người tiêu dùng sẽ phân biệt được tiêu chuẩn sản phẩm này khác biệt với  sản phẩm khác, từ đó doanh nghiệp có ý thức nâng cao uy tín trên thương trường, họ phải xây dựng hình ảnh, quảng bá tiêu chuẩn sản phẩm ra sao, doanh nghiệp sẽ cạnh tranh, Nhà nước chỉ kiểm tra trên cơ sở hậu kiểm, mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa, nếu hàng hóa nào đó có rủi ro cao Nhà nước tập trung quản lý mặt hàng hóa đó. Như vậy Nhà nước cần có cơ sở dữ liệu thông tin theo dõi doanh nghiệp, những tiêu chuẩn, quy chuẩn của họ đều phải được cập nhật.

Thưa ông Trần Quốc Khánh,  675 điều kiện kinh doanh sẽ được cắt giảm bắt đầu từ bao giờ? Ông có thể chia sẻ với chúng tôi một lộ trình cụ thể?

Ông Trần Quốc Khánh: Đây là điều quan trọng, việc ban hành Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 20/9 vừa qua thể hiện ý nguyện của ngành công thương. Nhưng để ý nguyện này thành hiện thực, Bộ Công Thương phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tất cả điều kiện kinh doanh này được quy định trong các Nghị định của Chính phủ ban hành. Do vậy, chúng tôi phải trình sửa đổi Nghị định đó, có rất nhiều Nghị định như chúng tôi nói ở trên, động chạm 16 ngành nghề kinh doanh ít nhất sửa 16 Nghị định. Nếu sửa 16 Nghị định thì rất lâu nên chúng tôi đề xuất sửa đổi một Nghị định cùng lúc nhiều Nghị định. Ngày 20/9 ban  hành quyết định thì ngày 5/10 trình Thủ tướng Chính phủ cho phép một Nghị định sửa nhiều Nghị định và cho phép chương trình này được đưa vào chương trình công tác của Chính phủ ngay trong năm 2017 và theo thủ tục ban hành Nghị định rút gọn.

Sau một thời gian, ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Bộ Công Thương chủ trương một Nghị định sửa nhiều Nghị định.

Hiện nay chúng tôi đã gửi dự thảo sang Bộ Tư pháp thẩm định, ngay sau khi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu ý kiến giải trình của Bộ Tư pháp  và các bên liên quan, cố gắng trình Chính phủ trước ngày 30/11/2017.

Thưa ông Trần Quốc Khánh, theo phương án cắt giảm, một số điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, có nghĩa thay vì thương nhân, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện trước khi ra nhập thị trường thì các điều kiện này chỉ phải được cơ quan nhà nước hậu kiểm trong quá trình sản xuất kinh doanh. Câu chuyện từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng cũng đòi hỏi công tác quản  nhà nước phải được nâng cao, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào? 

Ông Nguyễn Đình Cung: Ở đây chúng ta phải hiểu thế nào là hậu kiểm, nội hàm của nó ra sao và nó khác trước như thế nào, nhất là ở địa phương họ thực hiện hậu kiểm như thế nào? Theo tôi cần phải có giải thích, giải nghĩa và truyền đạt lại đối với chính quyền địa phương, đặc biệt là những công chức thực thi việc quản lý nhà nước.

Thứ hai, thay đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm là thay đổi về bản chất, nội hàm của một cách thức quản lý nhà nước. Vậy năng lực, công cụ của họ sẽ như thế nào?

Thứ ba, khi chúng ta nói ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, tôi thấy rất khó. Đầu tiên phải là tiêu chuẩn, quy chuẩn của người sản xuất, của sản phẩm; đấy là cái gốc của vấn đề. Lâu nay chúng ta nói ban hành tiêu chuẩn quy chuẩn nhưng rất nhiều tiêu chuẩn quy chuẩn còn thiếu là bởi vì phải bỏ cách thức quy định điều kiện kinh doanh tiền kiểm như hiện nay thì lúc đó người ta mới nghĩ đến xây dựng các bộ công cụ để quản lý. Nếu như vẫn áp dụng các quy định tiền kiểm này thì người ta sẽ không nghĩ đến việc xây dựng các bộ công cụ mới. Khi xây dựng xong thì cần phải tuyên truyền, giải thích, đào tạo. Đặc biệt, xu hướng mất quyền lợi của rất nhiều người khi thay đổi tiền kiểm sang hậu kiểm, họ sẽ phản ứng kháng cự lại, không thực hiện. Khi không thực hiện, nó sẽ xảy ra thất bại và thậm chí người ta cố tình gây ra những cái thất bại, báo chí truyền thông lại bắt đầu tỏa nó ra. Kết quả là làm chậm quá trình thay đổi hoặc quay lại xu hướng tiền kiểm. Tôi nghĩ việc này hoàn toàn có thể xảy ra, chúng ta cần phả lường trước.

Thưa Thứ trưởng Khánh, quan điểm của ông như thế nào để làm sao chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp?

Ông Trần Quốc Khánh: Bản thân tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đã là tư duy vì doanh nghiệp. Bởi vì doanh nghiệp có thể bước chân vào cơ quan mà không cần chứng minh với bất kì cơ quan nhà nước nào là tôi đủ năng lực, họ phải tự chịu trách nhiệm mọi thứ đối với doanh nghiệp của mình nếu không muốn bị rút giấy phép kinh doanh. Tư duy chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm là chúng tôi đã trao lại quyền tự quyết cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi chuyển tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm như vậy thì có một vấn đề cần phải được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách rõ ràng hơn nữa chính là vai trò của các địa phương sẽ trở nên rất lớn. Bởi vì, nếu đã chuyển sang hậu kiểm thì không thể có chuyện cán bộ của Bộ Công Thương đi khắp 63 tỉnh, thành phố để kiểm tra đột xuất doanh nghiệp này, doanh nghiệp khác. Bộ Công Thương sẽ định ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở và kinh doanh phải là nơi kiểm soát xem doanh nghiệp có đáp ứng được tiêu chuẩn và quy chuẩn ấy hay không. Chính vì vậy, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh chúng ta phải chú ý đến năng lực thực thi của chính quyền các cấp. Việc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh vừa qua, theo chúng tôi đánh giá là vừa sức cho các địa phương.

Thứ trưởng vừa nhắc đến quyền và chức trách của địa phương, có một câu hỏi của doanh nghiệp gửi đến cho chương trình như sau “Thưa thứ trưởng, việc cắt giảm lần này của Bộ Công Thương được các doanh nghiệp rất mong đợi và kì vọng. Tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc cắt giảm này chỉ nằm trên các văn bản, giấy tờ của các cấp ngành Trung ương còn ở địa phương thì doanh nghiệp vẫn bị hành đủ thứ. Ông có chia sẻ như thế nào về ý kiến này và liệu có biện pháp nào để chấm dứt tình trạng này?

Ông Trần Quốc Khánh: Việc cắt giảm và xóa bỏ điều kiện kinh doanh là có hiệu lực trên toàn quốc, không một chính quyền địa phương nào có thể đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện kinh doanh đã bị xóa bỏ đó. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra sẽ dựa trên các tiêu chuẩn và quy chuẩn do cơ quan quản lý nhà nước ban hành. Khi đưa ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn đó thì thông thường nó là những điều kiện đã được lượng hóa và công khai, minh bạch nên bản thân người dân cũng có thể kiểm tra được là mình có đáp ứng hay không.

Thưa ông Cung, theo ông, đối với trường hợp này ông có suy nghĩ như thế nào?

Ông nguyễn Đình Cung: Thực ra nói để hành doanh nghiệp thì có 1001 lý do chứ không chỉ xuất phát từ quy định điều kiện kinh doanh. Cho nên, muốn giảm phiền hà, nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp cần thay đổi rất nhiều thứ như đạo đức công vụ, thái độ, cách thức làm việc,...

Vâng, thưa ông, theo quan điểm của ông, ngoài việc cắt giảm bớt các điều kiện kinh doanh thì các bộ, ngành nói chung và Bộ Công Thương nói riêng cần có những động thái hay biện pháp như thế nào để triển khai hiệu quả việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Ông Nguyễn Đình Cung: Cắt giảm như thế này là cũng làm giảm dư địa để công chức bên dưới hành doanh nghiệp. Đang có đà này, tôi hy vọng rằng như anh Khánh nói trong tháng 11 này, Bộ Công Thương trình được Chính phủ ban hành Nghị định này. Sau đó chúng ta cần gây một áp lực mạnh mẽ hơn đối với các bộ khác.

Bộ Công Thương đã tạo nên một thay đổi rất lớn trong môi trường kinh doanh mà Bộ quản lý. Nếu tất cả các bộ đều làm được như thế thì đây chính là đột phá mà chúng ta vẫn nói trong môi trường đầu tư kinh doanh. Chúng ta cứ làm từng bước một nhưng dứt khoát như thế thì dần dần sẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Ảnh: VGP. Nhật Bắc

Thưa Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, với tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ, nhằm triển khai quyết liệt có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; trong giai đoạn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ có những dự định gì?

Ông Trần Quốc Khánh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ mới, Bộ Công Thương đã có hàng loạt hoạt động cho thấy quyết tâm trong cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý và sau đó là cải cách thủ tục hành chính. Với tất cả những hành động đó, chúng tôi hy vọng rằng đã chứng minh được tư duy xuyên suốt của Bộ Công Thương trong nhiệm kỳ này, từ quá khứ chúng ta sẽ suy được ra tương lai.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần được suy nghĩ ở một giác độ rộng lớn hơn. Chúng ta có cần duy trì cái ngành ý ở trong danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện? Ví dụ như sản xuất thuốc lá, đây có thể là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bởi vì chúng ta hạn chế công suất nhưng một khi chúng ta đã quản chặt khâu sản xuất thì có nên chăng quản lý tiếp cả anh bán buôn và anh bán lẻ. Cái này Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục suy nghĩ để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng đến mục tiêu tối cao là tạo cơ hội kinh doanh bình đằng cho tất cả mọi người trong xã hội, từ đó nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế.

 

Tác giả: Nhóm PV

Nguồn tin: chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

128/QĐ-SKHĐT

Quyết định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 25/01/2024

lượt xem: 460 | lượt tải:1920

105/QĐ-SKHĐT

Quyết định Công khai dự toán thu, chi ngân sách năm 2022

Thời gian đăng: 14/02/2023

lượt xem: 684 | lượt tải:308

78/NQ-CP

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian đăng: 26/07/2021

lượt xem: 2327 | lượt tải:269

01/QĐ-SKHĐT

QĐ về việc ban hành Lịch tiếp công dân năm 2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Thời gian đăng: 04/08/2021

lượt xem: 1880 | lượt tải:257

114/QĐ-SKHĐT

QĐ công khai dự toán thu, chi NS năm 2021

Thời gian đăng: 22/08/2021

lượt xem: 2075 | lượt tải:253
Đường dây nóng
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay11,789
  • Tháng hiện tại71,829
  • Tháng trước:779,242
  • Tổng lượt truy cập14,844,715
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down