Theo đại diện Trung tâm Xúc tiến đầu tư và khởi nghiệp tỉnh Bến Tre, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương đang rất được quan tâm. Tỉnh đang triển khai nhiều chương trình, trong đó có Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp. Đây là một trong những chương trình trọng tâm của tỉnh, trong đó, công tác đào tạo được xác định là nòng cốt để nâng cao năng lực, điều hành của doanh nghiệp.
“Trong năm 2017, bên cạnh nguồn ngân sách của tỉnh, địa phương đã huy động các nguồn lực khác để tổ chức hơn 20 lớp đào tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, qua khảo sát, chất lượng giảng viên là một vấn đề đáng lưu tâm. Thực tế, có những lớp học miễn phí, nhưng không có người đến học, trong khi những lớp học thu phí, nhưng doanh nghiệp vẫn hồ hởi tham gia. Vấn đề nằm ở chất lượng giảng viên”, vị đại diện này chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học lãnh đạo và Quản trị doanh nghiệp (trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), để có những khóa đào tạo thành công, vấn đề chính nằm ở chất lượng đào tạo, trong đó bao gồm nội dung giảng dạy và chất lượng giảng viên.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy thực tế tại các địa phương, ông Bình cho biết, mỗi địa phương có một nét văn hóa vùng miền và tùy đối tượng của lớp học mà người dạy phải biết điều chỉnh cho phù hợp. “Không thể nói những vấn đề hàn lâm, lý thuyết cho một ông nông dân rồi nghĩ là khóa học sẽ mang lại hiệu quả”, ông Bình nói thêm.
Công tác đào tạo chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ, bên cạnh tư vấn, hình thành cụm liên kết ngành và các chương trình đổi mới sáng tạo. |
Mặt khác, ông Bình cũng nhấn mạnh, để những khóa đào tạo thực sự lan tỏa đến doanh nghiệp, bản thân lãnh đạo địa phương phải thể hiện sự quan tâm. Không chỉ những người thực hiện công tác hỗ trợ doanh nghiệp bắt buộc phải tham dự các khóa đào tạo, mà ngay cả lãnh đạo cũng cần cho doanh nghiệp thấy được sự quan tâm đối với công tác đào tạo, thì lớp học mới thực sự lan tỏa đến doanh nghiệp.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, công tác đào tạo chỉ là một trong những công cụ hỗ trợ, bên cạnh tư vấn, hình thành cụm liên kết ngành và các chương trình đổi mới sáng tạo triển khai trong thời gian tới. Định hướng hỗ trợ ở đây theo hướng các sở, ban, ngành sẽ không cung cấp hay trực tiếp đào tạo, hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà sẽ thông qua các đơn vị, công ty dịch vụ tư vấn, thực hiện thông qua cơ chế đấu thầu.
“Muốn làm được như vậy, Cục mong muốn nhận được nhiều phản hồi của các địa phương trong thời gian tới”, bà Thủy cho hay.
Đảm bảo phù hợp với nguồn lực của từng địa phương
Thực tế, không ít địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội mong muốn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định chi tiết hơn.
Liên quan vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng phòng Phát triển doanh nghiệp (Cục Phát triển doanh nghiệp) cho biết: “Nhiều địa phương cho rằng, quy định quá cứng sẽ khó cho địa phương trong quá trình triển khai, trong khi nhiều địa phương khác đòi hỏi có những quy định chi tiết. Vấn đề hiện nay chủ yếu là vai trò và sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương, xây dựng luật theo hướng nào để đảm bảo cân đối phù hợp với nguồn lực của từng địa phương”.
Cũng theo bà Thủy, trước mắt, Cục ghi nhận ý kiến của các địa phương và trong thời gian tới sẽ đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác thực thi.
Tác giả: Ngọc Nhi
Nguồn tin: www.baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc