Hội nghị diễn ra từ ngày 10 - 15/9, với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên toàn cầu hoá”. Đây là một trong những Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác APEC.Sáng 15/9 tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị các Bộ trưởng DN nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) và các sự kiện quan trọng có liên quan.
Chào mừng các vị Bộ trưởng, các đại biểu đến dự Hội nghị tại trung tâm kinh tế thương mại năng động hàng đầu của Việt Nam, Thủ tướng cho rằng sức mạnh của mỗi nền kinh tế APEC có sự đóng góp quan trọng của các DN nhỏ và vừa, chiếm khoảng 97% số DN, tạo ra 60% việc làm và quan trọng hơn là nguồn động lực cho tăng trưởng, đổi mới, sáng tạo tại các nền kinh tế APEC.
Hoan nghênh chủ đề của Hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên của chủ đề Năm quốc gia APEC 2017 và thể hiện mong muốn của Việt Nam được hợp tác cùng các đối tác thành viên nhằm tạo thuận lợi cho các DN nhỏ và vừa của khu vực có cơ hội sáng tạo, tiếp cận mạng thông tin và thị trường toàn cầu để vươn lên trong kỷ nguyên số.
“Khát vọng vươn lên hùng cường của mỗi quốc gia, ý chí vươn lên làm giàu của mỗi người dân chính là khơi nguồn cho sự sáng tạo không giới hạn, sức mạnh phát triển to lớn của nhân loại trong kỷ nguyên số”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của các công nghệ mới như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), robot cao cấp, công nghệ nano, công nghệ in 3D,... đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm ra của cải vật chất và thay đổi cuộc sống của người dân trên thế giới.
Trong xu thế đó, các DN nhỏ và vừa với trình độ công nghệ, năng lực tài chính, quản trị còn hạn chế sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nhưng chính họ cũng là nhóm đối tượng năng động và dễ thích nghi nhất. Vì vậy, theo Thủ tướng, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của khối DN này mở rộng quy mô, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội.
Thủ tướng cho rằng con đường phát triển của Việt Nam là một minh chứng sống động cho vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng DN nhỏ và vừa, như một động lực chủ yếu để tạo ra nhiều việc làm cho người dân, vừa góp phần duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội vừa tạo điều kiện cho người dân vươn lên thoát nghèo, sáng tạo và làm giàu.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tác động của công nghệ số đang lan tỏa đến từng DN, người dân, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển và hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân đã có nhiều quyết sách quan trong nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và bao trùm: Thuận lợi, bình đẳng, tin cậy, thân thiện với với các DN, nhất là DN nhỏ và vừa; không chỉ khuyến khích tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư; không chỉ làm cho chi phí giao dịch thấp mà còn có rủi ro thấp; các nhà đầu tư, DN không chỉ được tôn trọng mà còn được vinh danh khi sáng tạo, thành công và đóng góp nhiều cho xã hội.
“Từ thực tiễn Việt Nam, chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của APEC về tăng cường năng lực hệ thống thuế nhằm khuyến khích sản xuất kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, công bằng, đồng thời ngăn chặn vấn nạn về chuyển giá, “tránh” nộp thuế,... của một số nhà đầu tư nước ngoài”, Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các chuyên gia cấp làm việc (SOM) nghiên cứu việc thành lập một quỹ hỗ trợ, khuyến khích các DN nhỏ và vừa tăng cường kết nối với các tập đoàn, công ty đa quốc gia, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng để thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các DN nhỏ và vừa, chúng ta cần hợp tác thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận thị trường, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu; thuận lợi hóa môi trường kinh doanh cho các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ thông qua tiếp cận thuận lợi công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến và hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua đào tạo, tư vấn và kết nối kinh doanh; đẩy mạnh tinh thần kinh doanh APEC trong kỷ nguyên số; thúc đẩy DN khởi nghiệp và tăng cường đạo đức kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và thân thiện để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo cho DN nhỏ và vừa trong khu vực, đề cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Thủ tướng nêu rõ: “Mọi kế hoạch hợp tác với những mục tiêu tốt đẹp trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương chỉ trở thành hiện thực nếu chúng ta có lòng tin, sự quyết tâm hợp tác cùng nhau để gìn giữ môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, dòng vốn đầu tư,...”.
Thủ tướng tin rằng Hội nghị sẽ đạt kết quả tốt đẹp để báo cáo lên Hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC 2017 nhằm đưa “con tàu APEC” tới tương lai tươi sáng, thịnh vượng cho mọi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Bộ trưởng, Trưởng đoàn dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Phát biểu tại Hội nghị sáng nay, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng với bước tiến mạnh mẽ của công nghệ số, sự biến đổi không ngừng của kinh tế thế giới, những cơ hội và điều kiện phát triển mới cho DN nhỏ và vừa đang đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa phải theo kịp xu thế thời đại, tạo ra môi trường thuận lợi và áp dụng các phương pháp hỗ trợ hợp lý.
Bộ trưởng hoan nghênh các đại biểu cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận, đưa ra các sáng kiến đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong tương lai giữa các cơ quan hỗ trợ DN nhỏ và vừa để các DN này thực sự là động lực mới, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.
Tác giả: Đức Tuân
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc