Ông Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lai Châu cho biết: Đơn vị đã tiến hành khảo sát gần 700 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về tình hình hoạt động kinh doanh và quan hệ tín dụng với ngân hàng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực, chủ động thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp thông qua việc cam kết cho vay mới, cơ cấu lại nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh hạn mức tín dụng cho vay, tích cực tuyên truyền tăng khả năng tiếp cận vốn cho Nhân dân…Xác định tháo gỡ khó khăn về vốn cho người dân, doanh nghiệp để doanh nghiệp, người dân tích cực phát triển kinh tế, từ đó ngành Ngân hàng đã đẩy mạnh việc tăng khả năng tiếp cận vốn. Năm 2014, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu đã tham mưu với tỉnh, phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương để thực hiện. Đơn vị đã chủ trì, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh; Đảng ủy khối doanh nghiệp, Thường trực Hội đồng Nhân dân các huyện, thành phố tổ chức 5 hội nghị đối thoại, kết nối và ký kết trực tiếp giữa ngân hàng và doanh nghiệp; nhiều hội nghị đánh giá, nắm bắt tình hình giữa ngân hàng và doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân trên địa bàn tỉnh, các huyện.
Từ 2014 đến nay, thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ dân trên địa bàn tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Các chi nhánh ngân hàng thương mại đã triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, cụ thể như việc cam kết cho vay mới đã tạo doanh số cho vay mới đạt 7.524 tỷ đồng (trên 30.000 lượt khách hàng vay vốn trong đó doanh nghiệp 958 lượt, khách hàng khác hơn 29.000 lượt); cơ cấu lại nợ với doanh số đạt 2.427 tỷ đồng (1.533 lượt khách hàng vay vốn); điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng cũ từ 0,5 – 1%/năm đối với gần 1.000 khách hàng, dư nợ 2.058 tỷ đồng.
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện, chương trình đã phát huy hiệu quả, đối với doanh nghiệp, đã phát huy tác dụng tích cực trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp giảm được chi phí tài chính liên quan đến lãi suất vay, từng bước củng cố tài chính, cơ cấu lại tổ chức sản xuất, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng ra cơ hội đầu tư, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đối với người dân, việc vay vốn có nhiều thuận tiện, giúp họ có nguồn vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững. Đối với ngành ngân hàng, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm, nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của các ngân hàng thương mại đối với cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân.
Cũng theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, phần nhiều các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, năng lực quản trị, điều hành còn hạn chế, hệ thống sổ sách, chứng từ chưa phản ánh đúng thực trạng hoạt động của doanh nghiệp dẫn đến thông tin cung cấp đối với ngân hàng chưa tin cậy, gây khó khăn cho công tác thẩm định trong quá trình cho vay. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng. Để giải quyết dứt điểm được vấn đề này, theo ông Luận, các doanh nghiệp cần phải nâng cao hơn nữa năng lực quản trị điều hành, tìm các phương án sản xuất kinh doanh khả thi và minh bạch hóa báo cáo tài chính, để có thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, ngành Ngân hàng tiếp tục tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đặc biệt là nhận dạng, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Thực hiện công văn số 1445/UBND-TM của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, ông Nguyễn Văn Luận, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lai Châu nhấn mạnh: Thời gian tới, đơn vị sẽ chủ động, tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương trong thực hiện các hoạt động tín dụng, ngân hàng và chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân, xem xét giải quyết cho vay, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Gắn việc tham gia chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp với quá trình thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng của mỗi ngân hàng, mỗi tổ chức tín dụng trên địa bàn; chủ động tìm kiếm khách hàng tham gia chương trình kết nối, tiếp cận doanh nghiệp có uy tín, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả để hỗ trợ vay vốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mở rộng chương trình đến nhiều đối tượng là cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ, chú trọng đầu tư phát triển một số lĩnh vực được ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn trên địa bàn tỉnh; tăng cường minh bạch hóa thông tin tín dụng, đảm bảo cung cấp công bố công khai tại các điểm giao dịch về quy trình, thủ tục hồ sơ, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, hướng dẫn khách hàng vay để khách hàng hiểu và nắm được đầy đủ các thông tin liên quan đến khoản vay; đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay, vốn ưu đãi trong phát triển kinh tế…
Với cách triển khai đồng bộ, sự phối hợp hiệu quả của ngành ngân hàng với các đơn vị, địa phương trong tỉnh, việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ thực sự hiệu quả, tạo kích cầu cho doanh nghiệp phát triển, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Tác giả: Chanh Nguyễn
Ý kiến bạn đọc