Theo phản ánh của ông Nguyễn Hồng Tâm, đại diện Công ty CP Dịch vụ TLTS Toàn Tâm, Công ty của ông đã đăng ký kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 3/4/2014 tại Phòng Đăng ký kinh doanh số 1 thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ông Tâm hỏi, theo Luật Doanh nghiệp mới, Công ty của ông có được đổi tên là Công ty CP Dịch vụ Thanh lý Tài sản Toàn Tâm được không?
Trong danh mục đăng ký kinh doanh hiện có ghi 10 ngành nghề kinh doanh nhưng không có ngành nghề chính xác mà Công ty đang hoạt động. Vậy, theo Luật Doanh nghiệp mới, Công ty của ông có thể ghi vào giấy phép kinh doanh nội dung như dưới đây, đúng với công việc mà doanh nghiệp đang hoạt động hay không?
- Mua thanh lý các loại tài sản là thiết bị máy văn phòng, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận tải, các thiết bị chuyên ngành Xây dựng, Y tế, Giáo dục…
- Tư vấn, hoàn thiện thủ tục hành chính về thanh lý tài sản cho các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước về thanh lý tài sản.
Theo ông Tâm, việc không được ghi đúng tên, đúng ngành nghề kinh doanh gây khó cho hoạt động của Công ty. Ông đã gửi văn bản tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhưng được trả lời, “vượt quá thẩm quyền, không giải quyết được”.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Tâm đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, trả lời.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:
Việc đặt tên doanh nghiệp được quy định tại các Điều 38, 39, 40, 42 Luật Doanh nghiệp và Chương III Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định doanh nghiệp chỉ được sử dụng ngành, nghề kinh doanh để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp khi doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành, nghề đó.
Doanh nghiệp có thể đăng ký ngành nghề kinh doanh chi tiết
Việc ghi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, theo đó, khi thông báo bổ sung, thay đổi ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp lựa chọn ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn, đối chiếu và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký ngành, nghề kinh doanh chi tiết hơn ngành kinh tế cấp bốn thì doanh nghiệp lựa chọn một ngành kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, sau đó ghi chi tiết ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp ngay dưới ngành cấp bốn nhưng phải bảo đảm ngành, nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp phù hợp với ngành cấp bốn đã chọn. Trong trường hợp này, ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp là ngành, nghề kinh doanh chi tiết doanh nghiệp đã ghi.
Về việc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý đăng ký kinh doanh hướng dẫn vấn đề vướng mắc của ông Tâm nhưng chưa nhận được văn bản trả lời. Về vấn đề này, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 164/ĐKKD-NV ngày 14/7/2017 trả lời Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 14 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Đăng ký kinh doanh là hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị ông liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội để được hướng dẫn.
Nguồn tin: chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc