Cũng theo kết quả khảo sát nêu trên, 64% doanh nghiệp được hỏi phản ánh thái độ, hành vi ứng xử của cơ quan nhà nước chưa chuẩn mực, 46% doanh nghiệp phàn nàn về yếu tố chồng chéo giữa các cơ quan quản lý. Những thông tin này được đưa ra tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp “Tiếp nhận xử lý phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”, do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân tổ chức tại TP.HCM đầu tuần này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, thời gian qua các doanh nghiệp đã tích cực tham gia đầu tư vào các ngành. Cụ thể, trong 11 tháng năm 2017, cả nước có 110.000 doanh nghiệp hoạt động, dự kiến kết thúc năm 2017 sẽ đạt con số khoảng 120.000 doanh nghiệp.
Những chỉ đạo quyết liệt về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng là yếu tố quan trọng tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, Bảng xếp hạng Cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 16 bậc, đứng thứ 68/190 nền kinh tế được đánh giá theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh của World Bank 2017.
Tuy nhiên, theo ông Mai Tiến Dũng, hiện tượng chồng chéo, các rào cản chia sẻ thông tin, tiếp cận thông tin qua cán bộ… vẫn tồn tại. Trong lĩnh vực nhập khẩu, mỗi năm, các doanh nghiệp phải chi khoảng 15.000 tỷ đồng cho chi phí kiểm tra chuyên ngành.
Ông Đỗ Văn Huệ, đại diện Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao đưa ra 5 yếu tố cản trở doanh nghiệp trong ngành. Đó là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa hiệu quả, thiếu thiết thực, độ an toàn bền vững không cao, quy trình thủ tục phức tạp, khiến doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian.
Đó là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa phù hợp, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ chế ưu đãi. Chẳng hạn, thủ tục thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất phức tạp, phải qua nhiều bộ, ngành; tiêu chí chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa rõ ràng, không cụ thể, nên các địa phương áp dụng khác nhau, khiến doanh nghiệp phải xin xác nhận ở nhiều đầu mối cơ quan mà không được tự chứng minh bằng các ứng dụng đã có.
Đó còn là chưa có sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa; là cơ chế hợp tác công ty trong xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp vẫn hạn chế, hình thức, ít hiệu quả; là thiếu chính sách hỗ trợ đặc thù và kịp thời cho ngành tôm giống.
Phản hồi ý kiến trên, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, nhiều chính sách hỗ trợ về nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao mới giải ngân khoảng 36.000 tỷ đồng cho khoảng 64 dự án.
“Có dự án muốn được hỗ trợ phải mất 16 bước, 40 thủ tục. Điều này mang nặng cơ chế xin cho. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ dự thảo sửa một số quy định với tinh thần phân cấp mạnh, toàn bộ dự án do các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định và trình UBND các tỉnh phê duyệt”, ông Hà chia sẻ.
Trước kiến nghị của một số doanh nghiệp, nhà quản lý, ông Mai Tiến Dũng khẳng định, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng sẽ tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp các khó khăn, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để trình Thủ tướng. Một số đề xuất có thể được đưa ra ngay như các thủ tục xây dựng, tích tụ ruộng đất, thủ tục công nhận doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao... theo hướng tạo thuận lợi nhất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Nếu xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức nhũng nhiễu doanh nghiệp thì phải xử lý, loại bỏ dứt điểm.
Tác giả: Hồng Phúc
Nguồn tin: www.baodautu.vn
Ý kiến bạn đọc