Trong định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, cùng với các loại cây chủ lực như Mắc ca, Chè và một số loại cây dược liệu thì Sâm Lai Châu cũng là cây trồng hứa hẹn mang lại giá trị cao. Hơn nữa đây là loại cây thích hợp trồng ở những nơi có khí ôn đới, độ cao từ 1.000m trở lên và chất đất phù hợp. Nếu cây Mắc ca được các chuyên gia đánh giá là cây đa mục đích để có thể phát triển mở rộng trên địa bàn tỉnh thì cây Sâm Lai Châu lại là dược liệu quý. Theo các nhà chuyên môn đánh giá, Sâm Lai Châu có hàm lượng các hoạt chất như Saponin rất tốt với sức khỏe, chỉ số chất MR2 chống ung thư khá cao, hàm lượng Saponin toàn phần trong sâm Lai Châu tăng dần theo số năm tuổi, có nhiều tiềm năng để phát triển và chế biến thành hàng hóa phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sâm Lai Châu cũng được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp bằng bảo hộ giống cây trồng chính thức, đồng thời được Chính phủ xếp vào nhóm thực vật rừng quý hiếm (nhóm IIA) tại Nghị định 06/2019/ND-CP ngày 22/01/2019.
Sau khi đã xác định được giá trị của cây Sâm Lai Châu và nhận thấy loại cây này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do khai thác tự phát và chưa hình thành các khu sản xuất tập trung, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã nhanh chóng xác định cần phải bảo tồn loại cây này, để Sâm Lai Châu trở thành một trong những cây dược liệu chủ lực. Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu cùng với việc kêu gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh để phát triển cây Sâm, tỉnh đã báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh Dự án vườn giống gốc. Trước đó, tỉnh Lai Châu đã triển khai 2 đề tài nghiên cứu về Sâm Lai Châu cấp tỉnh và 1 đề tài cấp Bộ; ban hành Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nhờ đó đến nay, tỉnh Lai Châu có 3,68 ha diện tích trồng Sâm của doanh nghiệp, người dân.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Lai Châu năm 2021, đã có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến Sâm Lai Châu, trong đó đáng chú ý là Biên bản ghi nhớ hợp tác chuyển giao kỹ thuật trồng Sâm đã được ký giữa Hiệp Hội Sâm Lai Châu với Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA); Hiệp hội nhân sâm Hàn Quốc. Bởi theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, thì tỉnh vẫn còn hạn chế về kỹ thuật trồng, nuôi để cây Sâm có thể chế biến sâu đưa ra thị trường. Tại các buổi làm việc với chuyên gia, các nhà đầu tư, tỉnh Lai Châu luôn cầu thị, lắng nghe và mong muốn hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư có kinh nghiệm về loại cây này với doanh nghiệp địa phương.
Thực tế đi kiểm tra tại một số nơi của tỉnh Lai Châu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tỉnh Lai Châu có tiềm năng rất lớn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cũng có cây Sâm bản địa là một dược liệu quý đã được chứng nhận, Bộ trưởng kỳ vọng sẽ phát triển được cây Sâm Lai Châu trở thành cây mang lại giá trị kinh tế cao, giúp cho cuộc sống của người dân vùng biên giới được ổn định. Bộ trưởng mong muốn sự vào cuộc của doanh nghiệp sẽ tạo thành “thương hiệu”, doanh nghiệp ngoài tạo ra lợi nhuận thì cần tạo ra việc làm cho người nông dân Lai Châu bởi người dân sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền và doanh nghiệp. Bộ trưởng mong muốn Lai Châu sẽ luôn giữ được mối quan hệ giữa Chính quyền – Người dân – Doanh nghiệp, chính quyền tỉnh tiếp tục có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, doanh nghiệp, người dân có trách nhiệm, có bổn phận để đến năm 2030, tầm nhìn 2045 sẽ kích hoạt một nền kinh tế của Lai Châu, xã hội Lai Châu, cộng đồng dân cư Lai Châu lên một tầm cao mới.
Tác giả: Tác giả: Nguyễn Chanh
Ý kiến bạn đọc