Mùa xuân, đồng bào Mông Lai Châu vui mừng tổ chức Lễ hội Gàu Tào Cha (Grauk Taox Cha). Lễ hội để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Cũng như phụ nữ các dân tộc khác, vào ngày hội phụ nữ dân tộc Mông mặc những trang bộ phục dân tộc đẹp nhất đi chơi hội.
Cộng đồng dân tộc Mông tỉnh Lạng Sơn có nghi lễ trưởng thành.
Đây là nghi lễ quan trọng đối với những người con trai.
Sau nghi lễ, họ được dòng họ, tổ tiên ghi nhận, được tham gia vào các công việc chung của làng bản, dòng họ.
Với đồng bào Mông Hoa tỉnh Tuyên Quang, đám cưới là nghi lễ mang đậm bản sắc truyền thống. Trước khi tổ chức đám cưới, hai bên gia đình gặp gỡ, bàn bạc thông qua ông mối.
Trong ngày lễ, cô dâu được mẹ dặn dò chu đáo. Cô dâu đã qua lễ nhập môn, bước qua cửa nhà trai coi như đã thuộc vào dòng họ của chồng.
Đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa có Lễ hội Cúng cơm mới. Lễ hội tổ chức để cảm ơn ông bà tổ tiên, những người đã vất vả dạy cho đồng bào Mông biết làm nương, làm rẫy.
Trong Lễ hội, mọi người cùng nhau múa Khèn và múa Sênh tiền để cảm ơn và mời Tổ tiên cùng về ăn bữa cơm đầu tiên được thu hoạch.
Còn đồng bào Mông ở tỉnh Bắc Kạn cũng tổ chức Lễ hội Gàu Tào vào dịp đầu năm mới.
Lễ hội để tạ ơn đất trời, thần linh đã phù hộ cho dân làng khỏe mạnh...
... và xin đất trời, thần linh tiếp tục ban cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng mạnh khỏe, cuộc sống ấm no.
Đồng bào Mông có nhiều các lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền. Trải qua thời gian, một số lễ hội đã bị mai một, thất truyền, bởi vậy, việc tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, thúc đẩy việc nghiên cứu, sưu tầm để gìn giữ, phát triển các loại hình di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.