Dự buổi làm việc còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương tham gia Đoàn công tác của Chính phủ.
Về phía tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.
Nửa nhiệm kỳ qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lai Châu đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các ngành, lĩnh vực. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Ước thực hiện đến hết năm 2023 có 1/11 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 22/55 chỉ tiêu thành phần đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, trung bình giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 3,91%/năm; tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 47,2 triệu đồng, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2020; sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, công nghiệp năng lượng đã phát huy hiệu quả rõ rệt; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp đã dần hình thành… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2023 ước đạt 146,03 triệu USD; giá trị xuất khẩu của địa phương ước đạt 34 triệu USD. Tổng lượt khách du lịch đến Lai Châu giai đoạn 2021-2023 đạt gần 2 triệu lượt người, tăng bình quân 33,2%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hằng năm cơ bản đạt dự toán trung ương giao, bình quân đạt 2.142 tỷ đồng/năm…
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông phát triển và hỗ trợ tốt cho sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân. Các chỉ số cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư trên một số lĩnh vực tăng nhanh.
Chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên. Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được thực hiện rất chủ động, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân, góp phần nhanh chóng phục hồi sản xuất. Các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả; hoạt động xuất khẩu lao động được triển khai tích cực. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi, tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch cấp quốc gia, khu vực; bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, khôi phục, bước đầu phục vụ tốt cho phát triển du lịch. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 3,4%/năm, riêng huyện nghèo giảm 4,7%/năm, ước đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 24,63%; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên.
Quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, phát triển đi vào chiều sâu. Công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện đồng bộ. Tổ chức bộ máy cán bộ được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ ở tất cả các khâu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên. Công tác dân vận, kiểm tra, giám sát, nội chính và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước…
Tại buổi làm việc, tỉnh Lai Châu cũng kiến nghị các nhóm như: Đề nghị sửa đổi một số quy định cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm nghiên cứu có các chương trình, đề án để phát triển “Kết nối ngang” giữa Lai Châu và các tỉnh trong khu vực với các hành lang kinh tế gắn với Thành phố Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng; giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước đến tìm hiểu và nghiên cứu đầu tư các dự án đầu tư từng bước xây dựng cao nguyên Sìn Hồ trở thành khu du lịch cấp quốc gia, kết nối với các khu du lịch lớn Sa Pa; Điện Biên...
Những nội dung kiến nghị của tỉnh Lai Châu, đại biểu các bộ, ngành, doanh nghiệp trong Đoàn công tác đã phát biểu giải đáp, làm rõ hoặc có hướng để cùng tháo gỡ. Cũng tại đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, doanh nghiệp trên cơ sở kiến nghị của tỉnh sẽ nhanh chóng rà soát, tháo gỡ cụ thể như: Nhanh chóng phủ sóng di động tại các xã vùng lõm của tỉnh; rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ khoáng sản của cả nước trong đó có tỉnh Lai Châu, có hướng giúp tỉnh thực hiện những vướng mắc; thực hiện chương trình giảm nghèo...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của tỉnh Lai Châu để đạt được thành tích cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Thủ tướng cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với tỉnh như: Kinh tế vẫn còn khó khăn, thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế thấp..., đề nghị tỉnh Lai Châu cần phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt hơn nữa, góp phần đạt mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.
Trước tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh còn nhiều khó khăn, tỉnh cần phải đoàn kết, phát huy tối đa truyền thống lịch sử hào hùng, tiềm năng thế mạnh; huy động sức mạnh toàn dân cho sự phát triển, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh… nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, bao trùm, toàn diện và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Lai Châu thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Về nông nghiệp, cần chuyển từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển nông nghiệp sinh thái công nghệ cao, tập trung vào các lợi thế của tỉnh về dược liệu, cây công nghiệp và các mặt hàng thế mạnh. Về công nghiệp, tập trung vào chế biến sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, phát triển nhanh, bền vững như điện năng, khai khoáng, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Về dịch vụ, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, khí hậu, độ cao...
Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp như: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn, phát huy, quảng bá, khẳng định thương hiệu cho các nguồn lực của địa phương; huy động nguồn lực đa dạng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước; giữ gìn và bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững chắc.
Cần tập trung làm tốt 3 đột phá chiến lược, trong đó tạo đột phá về thể chế, đột phá về hạ tầng, đột phá về con người là trung tâm, tạo động lực cho phát triển. Tăng cường phân cấp, phân quyền rõ ràng, rành mạch, dễ giám sát, kiểm tra, khen thưởng kỷ luật nghiêm minh; tăng cường cải cách thủ tục hành chính triệt để, nhất là "Cần tiếp tục làm tốt hơn nữa lời Bác Hồ dạy" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nguồn: Đinh Lan, Nguyễn Chanh/laichau.gov.vn/
Cập nhật: 13h46' ngày 19/11/2023
Tác giả: Quản trị
Ý kiến bạn đọc